Sau nhiều lần gặp khó khăn trong việc kiếm tiền, cũng như trang trải chi tiêu, nợ nần, tôi nhận ra một sự thật: Chẳng ai đột nhiên túng thiếu, luôn có nhiều dấu hiệu cảnh báo điều đó, chỉ là chúng ta không đủ tỉnh táo hoặc cố tình phớt lờ chúng mà thôi.
Cho đến một ngày, khi trong túi chẳng còn đủ tiền để mua 1 suất cơm, khi tiền lương không kham nổi tiền nợ, khi không thể phủ nhận hiện thực có phần không ổn ấy, chúng ta mới nghiêm túc nhìn lại hành vi tiêu tiền cũng như suy nghĩ của bản thân.
Trong quá khứ, tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, và cũng phải trả những cái giá không hề rẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng sai lầm lớn nhất của mình chính là không nhận ra những “dấu hiệu cảnh báo” rằng sự túng thiếu đang đến gần. Mong rằng bạn sẽ không như tôi.
1 – Chẳng rõ mình tiêu tiền vào những việc gì
Trước đây, tôi luôn trong tình trạng chẳng hiểu sao mình hết tiền. Tôi tiêu hết tiền lương, quẹt sạch hạn mức thẻ tín dụng, nhưng nhìn lại thì bản thân chẳng sắm được thứ gì mới, thành tấm thành món.
Khi tự vấn chính mình về điều đó, tôi chỉ tìm được 1 câu trả lời rất chung chung, ví dụ như mình đi ăn, mình đi siêu thị hoặc mua đồ tặng sinh nhật bạn bè, mà đấy cũng chỉ là tôi nhớ mang máng thế, hoàn toàn không rà soát nổi “dòng chảy” của những đồng tiền mình miệt mài bán sức lao động mới có thể kiếm được.
Chỉ đến khi khoản nợ gần gấp đôi thu nhập trong cả 1 năm, và tiền lương chỉ đủ để trả nợ, trả xong là hết sạch, không còn tiền để trang trải chi tiêu, tôi mới thực sự nghiêm túc trong việc quản lý chi tiêu, bằng cách ghi chép lại từng khoản nhỏ nhất, dù là 1 mớ rau hay vài cọng hành.
2 – Sức khỏe không ổn định
Tôi từng đọc được một đoạn văn, đại ý rằng: Khi bạn khỏe mạnh, bạn có thể cảm thấy cuộc đời mình đang tồn tại 1000 khó khăn ở những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, từ công việc, gia đình, tới các mối quan hệ khác; nhưng khi bạn ốm đau, 1000 vấn đề ấy sẽ biến mất, bạn chỉ còn lại đúng 1 vấn đề duy nhất là bạn đang không đủ khỏe để làm được bất cứ điều gì.
Tôi đã từng phải nằm viện 2 tháng trời vì chấn thương cột sống sau 1 vụ tai nạn. Trong suốt 2 tháng ấy, tôi mới thấm thía: Sức khỏe là tài sản lớn nhất của một người. Trước đó, tôi không cảm nhận được điều ấy, dù đã được nhắc nhở rất nhiều rằng hãy giữ gìn sức khỏe, nhưng mọi thứ như nước đổ lá khoai. Cứ phải ốm một trận thập tử nhất sinh, người ta mới biết cách trân trọng, giữ gìn sức khỏe.
Hồi phục sau 2 tháng nằm viện, tôi quyết tâm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Điều kỳ diệu là nhờ thế mà tôi không những khỏe hơn, mà còn kiếm được nhiều tiền hơn, vì 1 ngày chỉ có 24 giờ, ai cũng thế, nhưng những người có tinh thần khỏe mạnh và sức khỏe thể chất ổn định lại có hiệu suất cao hơn hẳn.
Nếu bỏ qua những tai nạn bất ngờ, không thể lường trước, thì tôi tin rằng việc sinh hoạt có quy củ, ăn đủ bữa – ngủ đủ giấc, hàng ngày đều tập thể dục chính là cách tốt nhất để phòng bệnh. Và không ốm cũng là một cách tiết kiệm. Chẳng ai muốn phải mang những đồng tiền mình kiếm được đi nộp viện phí.
3 – Mang tiền đi cho vay bừa phứa mà quên đòi
Có một khoảng thời gian trước đây, thu nhập của tôi khá tốt, cộng thêm việc kinh doanh – đầu tư thuận lợi, nên tôi thường xuyên cho bạn bè vay tiền. Nhiều thì vài chục triệu, đôi khi là cả trăm triệu, ít thì vài triệu hoặc vài trăm ngàn. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang dư dả, nên mình giúp được bạn thì mình giúp, cộng thêm bản tính cả nể nên tôi cũng ngại… đi đòi tiền.
Một vài người chủ động trả, dù tôi chưa đòi. Nhưng một vài người khác thì không. Nếu cuộc sống của tôi không có biến cố, không bất chợt cần tiền, thì có lẽ tôi cũng không đòi họ trả tiền, thậm chí đã không ít khi tôi còn quên mất người này, người kia đang nợ tiền mình.
Tôi vốn nghĩ đó là do tính mình sởi lởi, nhưng thực tế là tôi đang vô trách nhiệm với sức khỏe tài chính của bản thân. Tiền không phải lá rụng, một đồng kiếm được cũng quý, việc giúp đỡ bạn bè khi họ khó khăn không phải việc xấu, chỉ có điều nếu bạ ai cũng cho vay, mà cho vay xong còn quên không đi đòi, thì quả thật quá tệ.