5 năm trước, vợ chồng tôi ly hôn do nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống sau nhiều lần hàn gắn nhưng không thành. Con trai lớn ở với tôi, còn con gái ở với vợ tôi.
Giờ tôi đã 45 tuổi, con trai học lớp 10, 15 tuổi tại một ngôi trường cấp 3 công lập. Tôi là kỹ sư xây dựng nên thường xuyên phải đi công tác ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Vì con đã lớn nên đã biết cách tự chăm sóc bản thân. Những ngày cuối tuần được nghỉ làm ở nhà, con tôi lại thường hay sang với mẹ hoặc đi đá banh cùng bạn bè. Vì thế, 2 bố con rất ít khi trò chuyện với nhau.
Thời gian đầu sau ly hôn, tôi lao vào công việc để quên đi cảm giác thất bại trong hôn nhân. Tôi cũng muốn kiếm được nhiều tiền từ các dự án để 2 bố con sớm ổn định cuộc sống. Có lẽ chính vì thế nên tôi ít dành thời gian quan tâm, trò chuyện cùng con. Tôi còn nghĩ, con trai mạnh mẽ hơn con gái, không cần tỉ tê tâm sự nhiều.
Nhưng quả thật giờ tôi vô cùng hối hận khi 2 bố con ngày càng xa cách. Đến tuổi dậy thì, con trai tôi nổi loạn, né tránh tôi. Hai cha con luôn có bức tường vô hình ngăn cách. Rất nhiều lần, tôi tìm cách tháo gỡ, bình tĩnh kết nối hỏi chuyện con. Nhưng chỉ được câu trước, câu sau, 2 bố con tôi lại lớn tiếng tranh cãi.
Một lần, vì quá tức giận, tôi đã dang tay tát con khi cô chủ nhiệm của con thông báo con bỏ học để đi chơi điện tử. Thậm tệ hơn, kết quả thi cuối kỳ của con đứng cuối lớp, lẹt đẹt điểm 4, điểm 5. Trong lớp, con còn thường xuyên ngủ gật, khi thì gây mất trật tự. Quả thật, tôi bất lực trước con.
Nhiều lần, tôi nhờ vợ khuyên giải con nhưng kết quả không khả quan…
Xem phim Sex Education khiến tôi hối hận vì dạy con sai cách…
Cuối tuần vừa qua, tình cờ, tôi xem được bộ phim Sex Education khiến tôi chiêm nghiệm được nhiều điều trong việc giáo dục con. Tôi thấy mình tệ hại như ông bố của Adam Groff trong phim – luôn mệt mỏi, tiêu cực, đặt nhiều kỳ vọng vào con. Tôi chưa bao giờ hỏi xem con thích ăn món gì, muốn đi đâu chơi, suy nghĩ gì, yêu thích môn học gì. Tôi chỉ ép con học ngày học đêm tại các trung tâm luyện thi. Khi điểm của con rớt hạng, tôi cũng không tìm hiểu nguyên nhân mà vội trách con chểnh mảng chuyện học hành, hay ham chơi.
Chính thái độ của tôi đã khiến con trai ngày càng sống khép mình, ngại giao tiếp, không còn tự tin, năng động. Con cũng giống cậu nhóc Adam rất mỏng manh, chỉ biết xây dựng vẻ ngoài xù xì để che đi sự tổn thương của mình.
Trong phim Sex Education, một câu thoại khiến tôi xúc động rơi nước mắt. Đó là lời bộc bạch của Adam dành cho cha: “Con ước mình là một đứa trẻ bình thường, có một người cha bình thường”.
Có lẽ hơn một người cha bình thường, tôi đã không cho các con có được một gia đình bình thường, sum vầy như bạn bè đồng trang lứa. Giờ tôi rất hối hận khi đã mang những tiêu cực, mệt mỏi ngoài xã hội để về trút lên đầu con – một cậu bé tội nghiệp, đáng thương, thiếu tình yêu thương của gia đình.
Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các phụ huynh một số điều trong việc nuôi dạy con:
– Trò chuyện và tương tác thường xuyên với con: Trò chuyện chính là chìa khóa giúp gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Khi trẻ thường xuyên được ôm ấp, yêu thương và chơi đùa cùng bố mẹ sẽ giúp não bộ phát triển tốt hơn, trẻ ngoan ngoãn và lễ phép hơn. Điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng và trở nên tự tin hơn.
– Tôn trọng tự do của trẻ: Bố mẹ cần nên cho con một chút tự do để sống cuộc sống của riêng trẻ như trẻ mong muốn. Đây là một bước thiết yếu của hành trình nuôi dạy con đúng cách. Khi con được tự do làm điều con thích, tự do thể hiện cá tính thì chắc chắn đó sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc. Cách làm này sẽ giúp trẻ trở nên tự tin và kiên trì hơn, cố gắng theo đuổi mọi thứ trẻ muốn.
– Luôn nhẹ nhàng trong quá trình giáo dục con: Khi cha mẹ la mắng, thô tục hoặc gọi tên trẻ, đứa trẻ sẽ học và làm điều đó tương tự với người khác. Ngược lại, cho dù có đang nóng giận nhưng các bậc cha mẹ vẫn cư xử nhẹ nhàng, trẻ sẽ học theo và cư xử với người khác bằng sự bình tĩnh và tôn trọng. Có một điều cha mẹ cần lưu ý đó là sự tử tế không phải là nhượng bộ, dễ dãi mà cách này giúp trẻ bình tĩnh, dễ tiếp thu và hợp tác hơn.