Sau khi xem phim Sex Education trọn vẹn cả 4 mùa, tôi – một người phụ nữ 41 tuổi, có một cô con gái cuối cùng đã hiểu vì sao, con gái mình có thể luyên thuyên đủ thứ chuyện với người ngoài nhưng lại “câm như hến” với bố mẹ.
Tôi từng trách con “sống lạnh lùng”, “không gần gũi”, “không bao giờ mở mồm tâm sự với bố mẹ được 1 câu”, nhưng đến khi nghe nhân vật Jean Milburn nói chuyện trong phim, tôi mới bừng tỉnh. Đó là khi vị chuyên gia này chia sẻ:
“Là một bậc cha mẹ, tôi hiểu cảm giác bị con cái khép mình không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nhưng nếu bạn dành thời gian tìm hiểu những gì con đang trải qua, điều đó có thể mang lại sự hỗ trợ to lớn. Tôi nghĩ bạn cần cho con thấy rằng bạn thực sự nghiêm túc trong việc đồng hành cùng con trên hành trình này, và rằng con không cần phải liên tục giải thích bản thân với bạn. Điều này thực sự rất quan trọng. Hãy để con biết rằng bạn yêu thương con vì chính con người của con”.
Ngẫm nghĩ lại tôi nhận ra, mình rất hay hỏi con nhưng không thật sự đồng hành. Đôi lúc, tôi bỏ bẫng con một thời gian, nhớ ra vấn đề gì đó bất chợt rồi mới hỏi. Chẳng hạn, nhiều khi vì bận công việc nên tôi cũng không thực sự quan tâm đến vấn đề bạn bè của con. Chỉ đến khi, đọc báo, thấy một vụ bạo lực học đường hãi hùng, tôi mới vội vàng hỏi con chơi với ai.
Khi nghe thấy con chơi với 1 bạn hơi nghịch trong lớp, tôi lập tức cấm đoán ngay, khiến con khó chịu. Có lẽ vì thế mà những lần sau, con cáu gắt, hoặc lảng tránh không muốn kể lể gì với mẹ.
Tôi có quan tâm, nhưng không thực sự nghiêm túc và xuyên suốt. Chính vì vậy, mãi về sau tôi mới biết, người bạn “nghịch ngợm” mà con chơi thân, tuy thành tích học tập không quá cao nhưng lại rất chân thành, tốt bụng, từng đứng ra bảo vệ con khi con bị trêu chọc, bắt nạt.
Xem phim Sex Education, tôi nhận ra 1 sự thật
Câu nói của Jean Milburn thực sự khiến tôi nhìn nhận lại cách làm mẹ của mình. Trước giờ, người lớn chúng ta có một “tính xấu” rất đặc trưng! Đó là vấn đề gì cũng “đổ vấy”, quy kết lỗi cho con trẻ trước mà không tự nhìn nhận lại mình. Bây giờ, thay vì trách con không chia sẻ, tôi tự phân tích được nguyên nhân: Mình phải làm sao thì con mới không chia sẻ! Mình đã phạm phải những lỗi nào thì con mới mất sự tin tưởng. Và sau khi tự kiểm điểm, qua thật, tôi phát hiện ra mình mắc rất nhiều lỗi sai trong việc giáo dục con cái.
Sau khi xem phim Sex Education, tôi đã đọc thêm nhiều cuốn sách về chủ đề giáo dục con, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của một chuyên gia. Có 3 bài học mà tôi đã rút ra được:
Trước tiên, chúng ta cần học cách lắng nghe và đồng cảm với con thay vì ép con phải giải thích suy nghĩ hoặc hành động của mình. Điều này giúp con cảm thấy an toàn và được thấu hiểu hơn, thay vì bị phán xét hoặc cô lập. Bên cạnh đó, hãy tự giáo dục bản thân.
Khi cha mẹ hiểu rõ hơn về những vấn đề con đang đối mặt, chẳng hạn như áp lực học tập, nhận thức về giới tính hay các mối quan hệ xã hội, chúng ta sẽ có cách phản ứng phù hợp hơn, thay vì dựa trên những định kiến cũ hoặc quan điểm cá nhân.
Tiếp theo, sự đồng hành là một yếu tố không thể thiếu trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta cần thể hiện sự nghiêm túc trong việc hỗ trợ con vượt qua những thử thách.
Khi con nhận thấy cha mẹ thực sự sẵn sàng đồng hành, con sẽ cảm thấy an tâm hơn khi đối diện với khó khăn. Một thông điệp quan trọng khác là chúng ta cần cho con biết rằng chúng ta yêu thương con vô điều kiện, không phải vì con đạt được điều gì, mà vì chính con người thật của con. Điều này sẽ giúp con tự tin và cảm thấy được chấp nhận khi là chính mình.
Cuối cùng, cha mẹ cần tạo một không gian an toàn để con cái thoải mái bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ là điều tối quan trọng. Khi con không cảm thấy áp lực phải liên tục giải thích hoặc che giấu bản thân, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên gắn bó và cởi mở hơn.
Nuôi dạy con không chỉ là dạy con phải sống thế nào, mà còn là học cách yêu thương và đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành. Tôi sẽ kiên nhẫn áp dụng 3 bài học này vào việc nuôi dạy con và tin chắc rằng, con dần dần sẽ mở lòng và chịu chia sẻ với bố mẹ!