Ngày 26/3/2024, phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia đã diễn ra.
Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Ban Chỉ đạo để trao đổi, phân tích để đưa ra câu trả lời cho một số vấn đề lớn: Đường sắt tốc độ cao có kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá hay không; giải pháp công nghệ, tốc độ phù hợp và kinh nghiệm phát triển của các nước; lộ trình triển khai, các đoạn tuyến ưu tiên…
Sau đó, Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) ngỏ ý muốn tham gia đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cụ thể, tại cuộc gặp Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào 28/8/2024, ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc của CCCC ngỏ ý và cho biết đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, các dự án hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc – Việt Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TP HCM.
Vào 6/11/2024, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn. Gặp Thủ tướng, CRCC – tập đoàn xây dựng đường sắt hàng đầu Trung Quốc, bày tỏ mong muốn được tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam.
Đến cuối tháng 11/2024, với sự thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, tuyến đường này dài 1.545 km, kết nối 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM, khi hoàn thành, thời gian di chuyển giữa hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước sẽ được rút ngắn từ hơn 30 giờ xuống chỉ còn 6 giờ, nếu tốc độ thiết kế đạt 350 km/h.
Về công nghệ, Tập đoàn CCCC sở hữu nhiều công nghệ hiện đại và đã thi công tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên tại Trung Quốc, tuyến Phúc Châu – Hạ Môn, một phần quan trọng của mạng lưới đường sắt cao tốc ven biển, với tốc độ thiết kế tối đa 350 km/h. Tuyến đường này chính thức hoạt động vào cuối năm 2023, mở ra kỷ nguyên mới cho đường sắt cao tốc vượt biển của Trung Quốc.
Trong quá trình xây dựng, CCCC ứng dụng công nghệ Digital Twin, tạo ra các bản sao ảo của cấu trúc vật lý để mô phỏng chi tiết và phân tích dự đoán. Công nghệ này hỗ trợ phân tích dữ liệu toàn diện, tối ưu hóa bảo trì và vận hành hiệu quả.
Đồng thời, hệ thống giám sát xây dựng thông minh được triển khai triệt để, như tại Cầu vượt biển Vịnh Tuyền Châu, cung cấp giám sát thời gian thực và đảm bảo độ chính xác đến từng milimet trong căn chỉnh cầu, nâng cao an toàn và hiệu quả thi công.
CCCC sử dụng máy đào hầm hiện đại (TBM) với đường kính lớn, tích hợp hệ thống điều khiển số tiên tiến trong các dự án quốc tế như Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung. Các công nghệ này không chỉ cải thiện độ chính xác và hiệu quả thi công mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong xây dựng đường sắt cao tốc.
Bên cạnh đó, CRCC, là một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới, xếp hạng 39 trong Fortune Global 500 và thứ 3 trong 250 nhà thầu toàn cầu (ENR). Tập đoàn đã xây dựng 20.000 km đường sắt và 8.000 km đường bộ cao tốc tại Trung Quốc.
CRCC hiện sở hữu nhiều công nghệ kỹ thuật số tiên tiến trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. CRCC đã triển khai các hệ thống xây dựng thông minh trong các dự án đường sắt, như đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu… Các hệ thống này bao gồm cảm biến thông minh, hệ thống thông tin địa lý và điện toán đám mây để giám sát và quản lý quá trình xây dựng một cách hiệu quả.
Công nghệ hệ thống điều khiển tàu Trung Quốc của CRCC rất đáng chú ý. Cụ thể, CRCC đã tham gia phát triển và triển khai hệ thống điều khiển tàu Trung Quốc cấp độ 2 và 3, là xương sống của mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc. Hệ thống này tập trung vào tự động hóa và tích hợp, nhằm nâng cao an toàn và hiệu quả vận hành.
CRCC cũng áp dụng công nghệ Digital Twin trong quản lý vòng đời và bảo trì các công trình đường sắt cao tốc. Ví dụ, cầu trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải đã được sử dụng làm nghiên cứu điển hình cho việc triển khai hệ thống này, giúp giám sát và dự đoán tình trạng cầu một cách chính xác.
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc không chỉ khẳng định vị thế nước này trong lĩnh vực xây dựng, mà còn mở ra tương lai về hạ tầng thông minh, bền vững cho toàn cầu. Các dự án lớn của CRCC và CCCC chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của công nghệ Trung Quốc.