Theo báo cáo gần đây của Fortune Business Insights, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu được định giá ở mức 611,35 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng từ 681,05 tỷ USD vào năm 2024 lên 2.062,59 tỷ USD vào năm 2032, thể hiện tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,9% trong giai đoạn dự báo 2024-2032.
Tuy nhiên, ngành sản xuất bán dẫn là một ngành ngách và được kiểm soát chặt chẽ, đòi hỏi nhân sự được đào tạo bài bản cũng như thiết bị đắt tiền.
Trong khi việc xây dựng các cơ sở chế tạo và sản xuất chip có thể đòi hỏi một khoản đầu tư và thời gian rất lớn, thì vẫn có một lĩnh vực khác đưa Bangladesh vào giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn – VLSI (Tích hợp quy mô rất lớn), một quy trình tạo ra IC phức tạp bằng cách thiết kế chip bán dẫn, Báo Daily Star của Bangladesh nêu.
Bài báo nhận định: “ Ngành công nghiệp bán dẫn tại Bangladesh vẫn còn trong giai đoạn trứng nước khi chưa có cơ sở sản xuất hoặc thử nghiệm chip quy mô lớn, ngành này do một số công ty tập trung vào thiết kế và mô phỏng thống trị”.
Trong báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp MCCI công bố vào tháng 7/2024 có tựa đề “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Bangladesh’ đã đề cập đến hai công ty thiết kế chip là Ulkasemi và Prime Silicon, được thành lập vào năm 2007. Bài báo cũng nêu rằng ngành công nghiệp đầy tiềm năng với nước này đang có khoảng 400 nhà thiết kế chip địa phương, hiện kiếm được 6 triệu USD doanh thu xuất khẩu.
Với thành công liên tục của Bangladesh trong lĩnh vực gia công CNTT, “quốc gia này có vị thế tốt để mở rộng mô hình (gia công – PV) sang các dịch vụ thiết kế bán dẫn. Với sự đào tạo và cơ sở hạ tầng phù hợp, các kỹ sư Bangladesh có thể đóng góp vào các dự án bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là trong thiết kế và xác minh chip”, Daily Star cho biết.
Nhiều trường đại học Bangladesh đã giới thiệu các khóa học về VLSI và vi điện tử. Các khóa học này cung cấp nền tảng lý thuyết về thiết kế bán dẫn, mặc dù việc tiếp xúc thực tế vẫn còn hạn chế.
Về các hoạt động trong ngành, Tiến sĩ Satyendra Nath Biswas, Giáo sư Kỹ thuật Điện và Điện tử (EEE) tại Đại học Khoa học Công nghệ Ahsanullah (AUST) cho biết, “Vấn đề chính là giữ chân nhân tài ở Bangladesh. Ví dụ, một kỹ sư có 3 đến 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này được trả lương cao gấp 5 lần ở Hoa Kỳ so với Bangladesh . Ấn Độ cũng trả lương cao gấp 3 lần so với các công ty Bangladesh.
“Không chỉ về mức lương theo tiêu chuẩn của ngành mà chất lượng cuộc sống cũng là vấn đề lớn đối với một số người nếu chúng ta nghĩ đến các vấn đề hiện tại như an ninh cuộc sống, ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí ở Bangladesh”, Tiến sĩ Satyendra Nath Biswas nói tiếp.
Về tính bền vững của ngành công nghiệp chip trong nước, Giáo sư Satyendra cho biết: “Bangladesh cần nhiều hợp đồng hơn từ nước ngoài nếu đất nước muốn duy trì hoạt động trong hệ sinh thái bán dẫn. Chính phủ cũng cần lắng nghe các chuyên gia nếu họ muốn tránh lặp lại thất bại của các sáng kiến trước đây”.
Chính phủ Bangladesh cũng thừa nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp này và đang nỗ lực triển khai lộ trình và chính sách khả thi. Cuộc họp các bên liên quan vào cuối năm 2024 đã thông báo một lực lượng đặc nhiệm cấp cao sẽ được thành lập để phát triển ngành bán dẫn tại Bangladesh.
Tương lai của kỹ thuật bán dẫn tại Bangladesh là câu chuyện tiềm năng đang chờ được hiện thực hóa. Bangladesh có thể không trở thành Đài Loan (Trung Quốc) chỉ sau một đêm, nơi thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu, dẫn đầu là các công ty như TSMC. Nhưng những cơ hội lại là quá lớn nếu bỏ qua.
Trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đến 2040 – 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%.