Tập đoàn Petrovietnam vừa báo cáo doanh thu kỷ lục trong năm 2024, kéo dài chuỗi tăng trưởng của tập đoàn này.
Quay ngược lại năm 2022, tập đoàn đã lập kỷ lục về sản lượng sản xuất kinh doanh các sản phẩm đạm, xăng dầu.
Tổng doanh thu toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng, đạt 931,2 nghìn tỷ đồng , vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 – thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử Petrovietnam, theo PetroTimes.
Đến năm 2023 , tổng doanh toàn tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng , vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% lần kế hoạch năm, chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Và năm 2024 , Petrovietnam có năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, ước đạt 1 triệu 2 nghìn tỷ đồng , vượt 36% kế hoạch năm tăng 6% so với thực hiện năm 2023, và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước đạt 165 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước Covid-19 trong bối cảnh tác động bởi chính sách giảm thuế với sản phẩm xăng dầu của Petrovietnam.
Doanh thu hợp nhất đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu công ty mẹ – tập đoàn đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ – tập đoàn đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.
Năm 2025, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho rằng, áp lực rất lớn cho toàn tập đoàn và các đơn vị thành viên, nhất là công tác gia tăng trữ lượng. Do đó, ông Lê Ngọc Sơn đề nghị các đơn vị kiên định mục tiêu tăng trưởng, đẩy nhanh mở rộng thị trường, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của từng doanh nghiệp một cách đồng bộ, tối ưu chi phí, trang web của Petrovietnam tường thuật.
Theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, bước chuyển kỷ nguyên của ngành dầu khí sẽ gồm 2 bước: Lần 1 (2025-2035) và lần 2 (2035-2045). Tập đoàn cần tập trung nâng cao hệ thống quản trị, đồng bộ với hệ thống thể chế, tập trung chiến lược đầu tư, đặc biệt là E&P và phát triển các dự án trọng điểm của lĩnh vực này.
Tập đoàn đang có các động lực tăng trưởng như: Yêu cầu của đất nước tăng trưởng “hai con số” vừa là bắt buộc nhưng vừa là động lực sẽ kéo theo nhu cầu tăng lên của các loại năng lượng; phục hồi kinh tế thế giới giúp Petrovietnam cải thiện thương mại quốc tế; lĩnh vực E&P; công nghiệp khí (LNG); lĩnh vực điện; tiếp tục phục hồi đưa các dự án khó khăn vào tạo doanh thu và dòng tiền.
“Với 6 động lực trên và hoạch định mục tiêu, chiến lược qua 2 bước chuyển dịch mang tính kỷ nguyên của ngành Dầu khí, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có đầy đủ nền tảng, cơ sở và niềm tin để xây dựng và phát triển Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, có năng lực quản trị vượt trội, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.