Gần 3 triệu con sông chảy khắp thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc. Chúng có thể tác động đến mọi khía cạnh từ nguồn cung cấp nước sinh hoạt đến rủi ro lũ lụt.
Các nhà khoa học đã lập bản đồ dòng chảy của từng con sông trên hành tinh trong 35 năm qua bằng cách kết hợp dữ liệu vệ tinh và mô hình máy tính. Những gì họ thấy đã khiến họ bị sốc.
Theo nghiên cứu được công bố ngày 12/12, 44% sông hạ nguồn lớn nhất thế giới ghi nhận lượng nước chảy giảm qua từng năm.
Theo giáo sư thủy văn Dongmei Feng tại Đại học Cincinnati, tác giả chính của nghiên cứu, các con sông như sông Congo lớn thứ hai của châu Phi, sông Dương Tử chảy qua Trung Quốc và sông Plata của Nam Mỹ đã ghi nhận sự suy giảm lượng nước đáng kể.
Đối với những con sông thượng nguồn nhỏ nhất, câu nguyện ngược lại: 17% lưu lượng dòng chảy tăng.
Hệ thống nước quanh Trái đất lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đang rơi vào trạng thái mất cân bằng.
Mặc dù nghiên cứu không đi sâu vào lý do đằng sau những thay đổi, các tác giả cho biết con người và cuộc khủng hoảng khí hậu do nhiên liệu hóa thạch đang làm thay đổi lượng mưa và đẩy nhanh quá trình tan băng.
Giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường Colin Gleason tại UMass Amherst cho biết các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này cho phép họ xem xét “mọi nơi cùng một lúc”. Mặc dù điều này có thể chưa cung cấp độ chính xác cục bộ như các nghiên cứu khác, nhưng họ nghĩ rằng đây có lẽ là bản đồ chính xác nhất về dòng chảy của sông từng được tạo ra.
Báo cáo phát hiện ra rằng một số con sông đang thay đổi 5% hoặc 10% mỗi năm. Đây là một sự thay đổi nhanh chóng. Sông ngòi giống như “mạch máu của Trái đất” và những thay đổi sẽ có tác động sâu sắc.
Các con sông hạ lưu có ít nước đồng nghĩa con người có ít nước để uống, tưới tiêu và duy trì sự sống cho gia súc.
Dòng chảy chậm hơn cũng có nghĩa là các con sông có ít năng lượng hơn để di chuyển trầm tích, bao gồm đất và đá nhỏ. Trong khi đó, trầm tích rất quan trọng để hình thành đồng bằng châu thổ sông, nơi cung cấp khả năng bảo vệ tự nhiên chống lại mực nước biển dâng cao.
Đối với hững con sông nhỏ thượng lưu, băng và tuyết tan có thể gây sự cố bất ngờ cho các đập thuỷ điện. Nó cũng có thể làm tình trạng lũ lụt trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu phát hiện ra rằng lũ lụt lớn từ các con sông ở thượng nguồn đã tăng 42% trong 35 năm qua.
Giáo sư thủy văn Hannah Cloke tại Đại học Reading, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết con người có liên quan trực tiếp đến những thay đổi của dòng nước mang lại sự sống.
Bước tiếp theo là tìm hiểu chính xác lý do tại sao dòng chảy của những con sông này lại thay đổi nhanh chóng như vậy và tìm ra cách ứng phó.
“Con người không nên coi những con sông là điều hiển nhiên hoặc lãng phí những nguồn tài nguyên mà chúng cung cấp”, bà nói.
Theo CNN