TP Kuching (bang Sarawak, Malaysia) liên tục nằm trong top các địa phương được ghi nhận có chỉ số chất lượng không khí (AQI) tốt nhất thế giới. Tính đến tối 4/1, địa phương này đứng thứ 3 trong lành nhất thế giới trong danh sách các địa phương được IQAir thống kê.
Kuching là thủ phủ và là thành phố đông dân nhất ở tiểu bang Sarawak tại Malaysia. Thành phố nằm bên sông Sarawak, ở phía Tây Nam của Sarawak, trên đảo Borneo. Thành phố này có diện tích 431km2 với dân số khoảng 157.920 người ở vùng hành chính Kuching Bắc và 280.982 người ở vùng hành chính Kuching Nam – tổng cộng là 438.902 người.
Kuching là một điểm đến ẩm thực lớn và là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực. Kuching cũng là cửa ngõ chính cho du khách đến thăm Sarawak và Borneo. Thành phố đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và thương mại lớn ở Đông Malaysia.
Trong khi đó, Sarawak là một những bang hùng mạnh nhất của đất nước Malaysia. Đây là bang có nơi có trữ lượng dầu khí khổng lồ và đang trên đà có cảng biển, hãng hàng không và tổ chức tài chính riêng.
Thủ hiến của Sarawak Abang Johari Openg tự tin quảng bá sức mạnh và vị thế của tiểu bang tại Malaysia tương tự như vùng Bavaria ở Đức, CNA (Singapore) dẫn lại lời của ông.
Trong những năm gần đây, Sarawak đã giành lại cảng Bintulu từ chính quyền liên bang, mua lại hãng hàng không khu vực MASwings từ hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines và đang trong giai đoạn cuối cùng của việc mua lại cổ phần chi phối tại Ngân hàng Affin.
Ông Abang Johari cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNA vào tháng 8/2024 rằng những động thái này là cần thiết để Sarawak “tiến lên phía trước”, trong khi sự giàu có của tiểu bang có nghĩa là họ có đủ khả năng phụng sự cho người dân.
Vào tháng 12/2023, ông công bố kế hoạch cung cấp giáo dục đại học miễn phí cho người dân Sarawak tại các trường đại học công lập từ năm 2026. Ý tưởng về giáo dục đại học miễn phí cho người dân bản địa Sarawak lần đầu tiên được ông Abang Johari đưa ra như một phần trong lời chúc mừng sinh nhật của ông vào tháng 8/2022.
Ông chia sẻ với CNA rằng: “Để bất kỳ quốc gia nào phát triển, bạn cần nguồn nhân lực chất lượng và tôi nghĩ rằng với nền giáo dục tốt, bạn có thể đưa mọi người thoát khỏi đói nghèo. Điều này càng đúng hơn khi bạn có hệ sinh thái kinh tế cho phép họ tận dụng những gì họ biết để phát triển hơn nữa”.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Sarawak đạt đến đẳng cấp của một nền kinh tế có thu nhập cao.
Nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới Apurva Sanghi cho biết Sarawak đủ điều kiện là một tiểu bang có thu nhập cao vì có tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người trên 13.205 USD (61.442 RM), tờ Borneo Post nêu trong bài viết hồi tháng 7/2023.
“Trong khi Malaysia vẫn đang nỗ lực gia nhập các quốc gia có thu nhập cao, thì có một điều bất ngờ thú vị: Sarawak hiện là một tiểu bang có thu nhập cao!”, nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới nói.
Theo Cổng thông tin của chính quyền Sarawak, vào thời kỳ đầu, ưu tiên kinh tế của Sarawak là phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong các lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, và tạo cơ sở cho tăng trưởng công nghiệp để tạo ra các cơ hội việc làm. Trong giai đoạn 1963-1973, 36% GDP được quy cho lĩnh vực hàng hóa cơ bản, đặc biệt là chăn nuôi, lâm nghiệp và khai khoáng. Sau năm 1972, các lĩnh vực khai khoáng và sản xuất trở thành những ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của tiểu bang.
Năm 1995, Sarawak ghi nhận mức tăng trưởng 4,1% sau khi sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất và các ngành xây dựng tăng.
Đến đầu thế kỷ 21, các ngành nông nghiệp và đồn điền, đặc biệt là dầu cọ, đã được cơ giới hóa và Sarawak đã áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại. Nông nghiệp, khai khoáng, sản xuất, xây dựng và các ngành dịch vụ đã trở thành trụ cột tăng trưởng kinh tế của tiểu bang vào năm 2005.
Nông nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô từ 0,65 tỷ RM năm 1990 lên 1,6 tỷ RM trong khi dịch vụ là ngành lớn nhất của tiểu bang, chiếm 31% GDP thực tế và vượt qua ngành khai khoáng và khai thác đá ở mức 29,9%.
Trong giai đoạn 1991-2005, nền kinh tế Sarawak tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,5% mỗi năm, nâng GDP thực tế lên hơn hai lần từ 9,9 tỷ RM lên 22,2 tỷ RM. Nhờ các ngành khai khoáng và doanh nghiệp, GDP danh nghĩa bình quân đầu người cũng tăng từ 7.467 RM năm 1990 lên 21.260 RM năm 2005.
Trong giai đoạn này, ngành du lịch cũng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dịch vụ bao gồm giao thông vận tải và truyền thông, nhà hàng và khách sạn, đến thương mại và các dịch vụ khác.
1RM~6.000 đồng, 1RM~0,2 USD