Trong số các khoản chi tiêu của gia đình, nuôi con ăn học luôn chiếm một tỉ lệ lớn. Nhiều vợ chồng chấp nhận vất vả làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập dành cho các con học trong học ngoài, mong con không thua bè kém bạn. Từng có những gia đình gây “sốc” khi chia sẻ chi đến 80% thu nhập cho con học hành. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh ủng hộ tinh thần tự học, chỉ chi tiêu cho con ở mức tối thiểu, chẳng hạn như bà mẹ ở Hà Nội sau đây.
Chị cho biết, thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 50 triệu (chồng 13 triệu, vợ 37 triệu). Chi phí 1 tháng cả gia đình ngoài tiền ăn, cưới hỏi, ma chay, tiêu xài vặt thì tiền học cho con chỉ tốn 4 triệu cho cả 3 đứa con đang học tiểu học. Ở thành phố lớn, một đứa trẻ học chỉ tốn hơn 1 triệu khiến nhiều phụ huynh giật mình. Họ so với con cái mình, rồi cho rằng đây là một mức chi… không tưởng.
Một người kể ra, con mình 1 tuần học thêm 7 buổi gồm 2 buổi Toán, 2 buổi Văn, 2 buổi tiếng Anh. Trung bình 200.000 đồng/buổi, mỗi tuần hết 1,2 triệu đồng, mỗi tháng hết 4,8 triệu đồng. Chưa kể tiền học ở trường công, có bán trú thêm vài triệu. “4 triệu nuôi 3 đứa con học hành của nhà bạn chưa bằng mình lo cho 1 đứa. Vén sao mà nể thực sự”, người này nói.
Trước thắc mắc của nhiều người, bà mẹ này cho biết, nhà mình cho con học trường công nên không tốn bao nhiêu. Con chỉ học thêm mỗi môn Toán. Các môn khác, chị tự mày mò tìm tài liệu dạy con.
Trước đó, một phụ huynh có con học lớp 7 ở TP.HCM cũng thu hút sự chú ý khi chia sẻ tiền học của con học lớp 7 chưa tới… 100 ngàn đồng.
Chị cho biết, gia đình mình có 4 người, trong đó có hai con, một bé 13 tuổi, một bé 4 tuổi. Lương chồng chị 10 triệu đồng, anh giữ 3 triệu đồng, đưa vợ 7 triệu đồng. Lương chị 2,6 triệu (chị bị đau lưng, chỉ ở nhà nhận giữ một bé con hàng xóm). Tổng thu 9,6 triệu, hàng tháng chị chi tiêu gần 7 triệu đồng, vẫn dư hơn 2 triệu. Với số tiền có phần khiêm tốn đó, tiền học chị chi cho con lớn là 90 ngàn đồng. Con nhỏ 4 tuổi ở nhà mẹ dạy. Chị chi 600 ngàn đồng hàng tháng cho việc mua sách.
Mức học phí 90 ngàn đồng không phải là vô lý. Cũng có phụ huynh chia sẻ, nếu con học trường công ở ngoại thành, không bán trú thì số tiền phải đóng chỉ vài chục đến chưa tới 200 ngàn đồng.
Trên thực tế, nếu chỉ cho con học trường công bình thường thì học phí và các khoản chi không quá cao. Học thêm không phải là thứ bắt buộc phải có. Một số ý kiến cũng cho rằng, nhiều người chỉ học trường làng, không học thêm bất kỳ đâu mà vẫn đỗ các trường THPT chuyên top đầu cả nước. Hơn nữa thời nay tài liệu rất nhiều, chỉ cần có tinh thần tự học thì sẽ đạt thành quả.
Dù vậy, cũng có không ít phụ huynh nhận định, bố mẹ muốn con không phải đi học thêm thì cũng cần chấp nhận một kết quả học tập bình thường. Trừ khi chính bố mẹ là giáo viên dạy thêm của con.
Học thêm hay không học thêm là lựa chọn của mỗi gia đình. Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, nên sẽ không có công thức chung nào cả cho tất cả. Tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bố mẹ về khả năng của con, cũng như hiểu được tâm lý của trẻ để cho con học hành trong phạm vi năng lực, sức khỏe và tinh thần cho phép.
Một vị Hiệu trưởng từng khuyên, khi cho con đi học thêm, bố mẹ cần xác định rõ mục đích, mục tiêu là gì. Nếu con không phải người có tư chất nổi trội, có nên cho con “luyện lò” để vào trường chuyên lớp chọn hay không? Hoặc nếu chỉ cần con đạt điểm 8, 9 trên lớp, cha mẹ nên cho con học thêm hay nên sắp xếp thời gian dành cho con 1 tiếng mỗi tối để cùng con ôn tập bài vở?
Việc học tập có trở thành gánh nặng với con trẻ hay không một phần lớn đến từ kỳ vọng của bố mẹ vào con cái. Việc học tập có trở nên nhẹ nhàng với trẻ hay không một phần lớn đến từ sự đồng hành của bố mẹ với con cái.