Để hạn chế tình trạng lây bệnh trong mùa dịch, mọi người thường có thói quen mua và trữ đông thực phẩm trong thời gian dài để hạn chế ra đường và tiếp xúc nơi đông người.
Hầu hết các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ đều có thể bảo quản bằng cách trữ đông trong tủ lạnh.
Sau đây là những cách chọn và trữ đông thực phẩm an toàn cho bữa cơm mùa dịch của các gia đình:
Lựa chọn thực phẩm
Lựa chọn thực phẩm còn tươi sống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua những thực phẩm có màu sắc hoặc mùi vị bất thường. Đối với thịt nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt khô. Tránh mua thịt có màu hơi thâm, đen, sờ vào nhớt, có mùi lạ, mùi ôi thiu.
Các loại thủy, hải sản, nên chọn các loại tươi sống. Nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh hoặc cấp đông đúng tiêu chuẩn.
Đối với rau, củ, quả nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát. Tốt nhất là nên mua các loại rau củ quả đúng mùa.
Thực phẩm đóng gói sẵn như các loại cá, hải sản, giò chả… khi chọn mua phải chú ý nhãn mác, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng. Bao bì đựng thực phẩm còn mới, không bị rách, không bị bóp méo.
Trữ đông đúng cách
Đối với thực phẩm tươi sống
Đối với các loại thực phẩm tươi sống như thịt cá, tôm… cần rửa thật sạch. Cắt thịt hoặc chia cá, tôm thành từng phần vừa đủ cho một lần ăn. Sau đó dùng khăn giấy thấm khô, cho vào hộp có nắp đậy kín hoặc túi chuyên đựng thực phẩm buộc chặt lại. Ghi tên thực phẩm, ngày cấp đông rồi xếp gọn gàng từng loại vào tủ lạnh trữ đông.
Đối với rau củ
Trước khi cấp đông, bạn nên rửa sạch đất, bụi bẩn trên rau củ và để khô ráo.
Sơ chế sạch, đóng gói hoặc đựng các loại thực phẩm trong hộp kín để trữ đông an toàn. |
Cũng giống như cách trữ đông thịt cá, sau khi rửa sạch, chúng ta cũng chia rau, củ, quả thành từng loại rồi cho vào túi đựng thực phẩm chuyên dụng, ghi tên, ngày tháng rồi xếp vào tủ cấp đông.
Cách rã đông thực phẩm chuẩn
Thực phẩm sau khi đông lạnh rất dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được rã đông đúng cách. Do đó, bạn nên trang bị đầy đủ những kiến thức về rã đông sao cho đúng cách.
Sử dụng nước lạnh để rã đông
Sử dụng nước lạnh để rã đông luôn là cách làm hiệu quả và đơn giản nhất để bạn có thể ứng dụng. Điểm quan trọng của cách làm này là không được sử dụng nước nóng.
Bạn lưu ý cho thực phẩm vào túi kín trước khi rã đông chúng trong nước lạnh nhằm tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, mất đi chất dinh dưỡng.
Bạn có thể cho một ít muối hoặc gừng tươi đập dập vào nước để thực phẩm tươi ngon trở lại. Cần lưu ý thay nước mỗi 30 phút 1 lần và phải nấu ngay sau khi thực phẩm được rã đông để đảm bảo thực phẩm giữ được hương vị và không bị biến chất.
Rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh
Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, hãy lựa chọn hình thức rã đông bằng ngăn mát của tủ lạnh vì đây là sự lựa chọn tối ưu nhất và an toàn nhất cho thực phẩm. Bạn chỉ việc di chuyển thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát một cách đơn giản, nhanh chóng.
Ngoài ra để nước từ thực phẩm đông đá không chảy ra tủ lạnh, bạn nên để thực phẩm vào hộp đựng thực phẩm, tô, chén hoặc túi bọc kín. Với phương pháp này, thực phẩm sẽ tránh được nguy cơ bị nhiễm khuẩn bởi môi trường bên ngoài.
Bên cạch đó, rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh còn giúp cho bạn có thể bảo quản thực phẩm thêm 3 – 5 ngày nếu chưa chế biến ngay mà không làm thực phẩm hư hỏng hoặc bị biến chất.
Dùng lò vi sóng rã đông cho thực phẩm cần nấu ngay
Bạn cần rã đông thực phẩm ngay để nấu ăn? Hãy nghĩ ngay đến lò vi sóng. Phương pháp này sẽ giúp rã đông thực phẩm cực kỳ nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn sau khi bạn cho chúng vào lò.
Tuy nhiên cách này chỉ phù hợp khi bạn chế biến ngay sau khi rã đông bởi nếu để lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.