Tôi được nuôi dạy trong một gia đình nghiêm khắc về nhiều mặt, từ nếp sinh hoạt hàng ngày, đến nếp cư xử ngoài xã hội. Đôi lúc, tôi thấy khá bí bách nhưng tôi cũng cho rằng, chính sự nghiêm khắc ấy đã giúp mình có chỗ đứng trong xã hội sau này. Khi có con trai, tôi cũng áp dụng cách giáo dục tương tự. Tôi đặt ra nhiều quy chuẩn và yêu cầu con đạt được. Khi con kêu than mệt mỏi vì học tập, tôi sẽ nghiêm khắc phê bình.
“Hiện giờ chỉ có việc học còn không xong, thì tương lai làm nên được trò trống gì? Con phải biết, nếu lúc nhỏ con học tập chăm chỉ thì về sau cuộc đời mới ‘dễ thở’ hơn. Con là con trai, đừng có ủy mị như thế? Có mỗi việc học thì áp lực nỗi gì? Trong khi bố mẹ đã tạo hết điều kiện như thế?”, tôi từng nói khi con có biểu hiện than vãn.
Dần dần, con trai tôi học ngày càng tốt hơn. Nhưng có 1 sự việc khiến tôi phải suy nghĩ lại. Đó là một buổi chiều, khi tan làm, tôi tình cờ nghe thấy hàng xóm nói xấu mình. Họ buôn chuyện với nhau về việc buổi sáng, thấy con tôi ngã xe ở ngoài đường nhưng không dám đi về mà cố chịu đau lên xe đi học tiếp.
“Chắc nó sợ mẹ nó nghĩ kiếm cớ trốn học. Cái nhà đấy dạy con cứ như robot. Cái thằng bé kia cứ lầm lầm, lì lì, lúc nào cũng khép nép sợ mẹ, trông đến tội”.
Tôi tình cờ biết đến bộ phim Sex Education
Sau khi nghe hàng xóm nói chuyện, tôi đã hỏi con trai về vụ ngã lúc sáng. Con nghe xong hơi bối rối nhưng sau đó lập tức khẳng định với mẹ là không sao. Tôi cũng không nghĩ nhiều, cho đến một ngày, tình cờ lướt mạng và đọc được một topic khá nhiều bình luận trên Reddit.
Một cư dân mạng người nước ngoài đã nói về chủ đề “bị cha mẹ bắt nạt” và chia sẻ rằng, anh ta đã khóc khi xem đến phân cảnh nhân vật Jean Milburn trong phim Sex Education nói câu này với Hiệu trưởng Michael:
“Very often, Michael, when children are bullied by a parent, they falsely learn that emotions are a sign of vulnerability, and so they shut them off”. (Rất thường xuyên, Michael ạ, khi trẻ bị bắt nạt bởi cha mẹ, chúng sẽ hiểu sai rằng cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối, và vì vậy, chúng tắt cảm xúc của mình đi).
Ngay sau đó, tôi đã xem thử bộ phim Sex Education và đặc biệt chú tâm vào những phân cảnh của 2 bố con Michael và Adam. Có những hôm, tôi thức trắng đêm để suy nghĩ.
Trong phim, Michael được xây dựng với hình ảnh cứng nhắc, nghiêm khắc và kìm nén cảm xúc. Điều này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả từ cách ông lớn lên. Dần dần, người đàn ông này hình thành quan điểm rằng thể hiện cảm xúc là yếu đuối. Thay vì đối mặt với cảm xúc của mình, ông đã học cách “tắt” chúng đi, sống như một người máy với các nguyên tắc cứng rắn.
Điều này dẫn đến việc Michael tái tạo chính kiểu nuôi dạy hà khắc đó lên con trai Adam, vô tình gây tổn thương và tạo ra sự xa cách giữa hai cha con. Adam luôn thấy ngột ngạt, khó thở trong chính căn nhà của mình, bởi vô vàn luật lệ do bố đặt ra. Cậu cũng không biết cách hành xử, cũng chẳng biết cách giao tiếp và càng không biết làm sao để hài lòng người khác.
Có một phân cảnh mà tôi nhớ mãi, đó là khi Adam gặp bà Jean Milburn, mẹ của nam chính Otis tại buổi tiệc nhà Aimee. Ban đầu, Adam dành nhiều lời khen và sự ngưỡng mộ cho Jean, nhưng khi nghe việc bà nhờ để mắt giúp Otis thì Adam đã tỏ thái độ.
“Tôi tưởng chỉ có ba mẹ tôi mới thích kiểm soát”, Adam đã nói.
Càng xem, tôi càng nhận ra, 2 mẹ con tôi chính là Michael và Adam bước ra từ phim. Trong quá khứ, tôi cũng từng bị tổn thương, từng khó chịu vì cách dạy dỗ nghiêm khắc quá mức của bố mẹ nhưng không dám phản kháng. Để rồi khi có con, tôi “vô tư” lặp lại vòng tổn thương lên con trai mình, khiến con trở thành một đứa trẻ sợ mẹ đến khiếp vía, không dám bày tỏ cảm xúc, ngã xe cũng không dám thừa nhận,… Đáng sợ hơn là, không chỉ có một mình tôi, mà rất nhiều cha mẹ khác đang mắc phải sai lầm giáo dục con này.
Nếu tôi còn tiếp tục dạy dỗ một cách mù quáng như này thì hậu quả sẽ kinh khủng đến mức nào? Có lẽ đúng như những gì hàng xóm nói, con tôi sẽ trở thành một “robot” đời tiếp theo.
Hiện tại, tôi đang dần sửa sai sau khi nhận thức được lỗi lầm của mình. Tôi quyết định đặt một chuyến du lịch cho cả nhà và tuyên bố rằng, đây là chuyến đi để con trai xả stress sau khi học tập chăm chỉ suốt cả năm. Con tôi đã rất ngỡ ngàng, vì trước giờ mẹ luôn coi chuyện stress vì học là “nguỵ biện”, “kiếm cớ để lười”.
Hàng ngày, khi con hỏi vấn đề gì đó, tôi sẽ bớt kiểm soát lại và trao quyền cho con: “Giờ con lớn rồi, mẹ để con tự quyết đấy. Có gì không chắc chắn thì hỏi lại mẹ”. Thỉnh thoảng, tôi “đột kích” vào phòng con và nhắc nhở: “Muộn rồi đấy, mai học tiếp cũng được, nghỉ đi không mệt”.
Đi làm về, tôi cũng “than vãn” với con: “Nay mẹ mệt quá, lấy cho mẹ cốc nước”; “Nay có chút việc ở công ty khiến mẹ đang hơi buồn, con có gì vui thì kể cho mẹ nghe đi”,… Tôi làm thế để cho con thấy rằng, chúng ta có quyền được thể hiện cảm xúc của mình, thay vì sống cứng nhắc.
Tôi nghĩ rằng, sự thay đổi của mình đã có hiệu quả. Bởi, thay vì bộ dáng lầm lì như trước, con đã tươi cười nhiều hơn. Quan trọng là có lần, con đã chủ động xin mẹ cho nghỉ một buổi học thêm vì thấy trong người hơi mệt. Thú thật, chưa bao giờ tôi thấy vui như vậy!
Tôi biết rằng làm cha mẹ là một hành trình khó khăn, và đôi khi chúng ta vô tình làm tổn thương con mà không hề nhận ra.
Giờ đây, tôi nhận ra rằng, con trẻ cần được phép bộc lộ cảm xúc. Các bậc cha mẹ thân mến, đừng để những lời nói hay hành động của chúng ta khiến con cảm thấy rằng cảm xúc là điểm yếu, rằng con phải che giấu nỗi đau của mình để làm hài lòng cha mẹ.
Nếu bạn từng như tôi – mắc sai lầm nhưng sẵn sàng thay đổi – hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất: Lắng nghe con, chấp nhận cảm xúc của con và yêu thương con một cách bao dung hơn.