Tiếng Ả Rập là một trong những ngôn ngữ giàu có và lâu đời nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành Ngôn ngữ Ả Rập cũng đang dần trở nên phổ biến. Ngành học này không chỉ cho chúng ta bước vào hành trình khám phá những giá trị văn hóa sâu sắc của một trong những nền văn minh cổ đại nhất mà còn mở ra những cơ hội nghề nghiệp chất lượng cao.
Liên quan đến tiếng Ả rập có một vài sự thật thú vị như:
1. Ngôn ngữ nằm trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc
Ngôn ngữ Ả Rập là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc cùng với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha. Vậy nên, từ xa xưa Ngôn ngữ Ả Rập đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
2. Ngôn ngữ chỉ có duy nhất 1 trường đào tạo
Hiện tại, các trường đại học ở Việt Nam đào tạo rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng riêng với ngành Ngôn ngữ Ả Rập chỉ có trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo. Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Ả rập năm 2024 của trường này là 33,42 điểm (thang điểm 40).
3. Nằm trong top 10 ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới
Năm 2023, Ethnologue công bố danh sách những ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới (most spoken languages), cụ thể như sau: Tiếng Anh, tiếng Quan Thoại (tiếng Trung Quốc), tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Bengali, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga và tiếng Urdu.
Với hơn 274 triệu người sử dụng ở hơn 60 quốc gia, tiếng Ả Rập đứng ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng các ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới, đặc biệt là ở vùng Trung Đông và Bắc Phi. Tiếng Ả Rập không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp hàng ngày mà còn là ngôn ngữ của tôn giáo, văn hóa và chính trị.
Học tiếng Ả Rập là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị. Hệ thống chữ viết độc đáo, ngữ pháp phức tạp và sự đa dạng của các phương ngữ sẽ khiến bạn phải vận dụng tối đa khả năng tư duy và sáng tạo.
4. Không dựa trên một bảng chữ cái nào
Một trong những đặc điểm khiến ngôn ngữ Ả Rập trở nên độc đáo và đầy thử thách chính là hệ thống chữ cái. Khác với các ngôn ngữ sử dụng bảng chữ cái đầy đủ, tiếng Ả Rập chỉ cung cấp các phụ âm và yêu cầu người viết phải dựa vào ngữ cảnh và kiến thức về ngôn ngữ để tự bổ sung các nguyên âm thiếu, hệ thống này gọi là “abjad”. Tên “abjad” dựa trên bốn chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái tiếng Ả Rập cũ, là a, b, j, d, để thay thế thuật ngữ phổ biến “bảng chữ cái phụ âm”.
Trong khi bạn có thể học một số ngôn ngữ dễ nhất thế giới trong 24 tuần (600 giờ học), tiếng Ả Rập cần 88 tuần (hoặc 2.200 giờ học).
Chính sự độc đáo này đã tạo nên một lớp vỏ bọc bí ẩn và hấp dẫn cho tiếng Ả Rập.
5. Từ ngôn ngữ của kinh sách tới văn thơ
Được xem như ngôn ngữ thiêng liêng của Hồi giáo, tiếng Ả Rập là phương tiện để truyền bá Kinh Qur’an, kinh sách thiêng liêng của đạo Hồi. Những câu kinh trong Qur’an không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn là những tác phẩm văn học tuyệt đẹp, với vần điệu uyển chuyển và hình ảnh ẩn dụ phong phú.
Ngoài ra, tiếng Ả Rập còn là ngôn ngữ của vô số tác phẩm thơ ca, văn xuôi nổi tiếng, góp phần tạo nên một kho tàng văn học đồ sộ và đa dạng. Từ những bài thơ tình lãng mạn đến những tác phẩm triết học sâu sắc, tiếng Ả Rập đều thể hiện được sức mạnh và sự tinh tế của nó.
6. Thư pháp Ả Rập là môn nghệ thuật của thị giác
Thư pháp Ả Rập không chỉ là một nghệ thuật viết chữ mà còn là phương tiện để biểu hiện tâm và trí của người dùng bút. Mỗi nét chữ uyển chuyển, mỗi đường cong mềm mại đều mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc. Thư pháp Ả Rập như một chiếc cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của người Hồi giáo.
Nghệ thuật thư pháp Ả Rập đã đạt tới đỉnh cao khi những người nghệ sĩ không chỉ viết thư pháp trên giấy, trong các sách thánh, kinh Qu’ran, mà họ còn viết lên trên các công trình kiến trúc. Nhờ vậy mà không khí trong các thánh đường trở nên thiêng liêng hơn, các bức tường đã bớt đi sự đơn điệu, biến thánh đường trở thành nơi chứa đựng cái đẹp.
ô
7. Cơ hội việc làm rộng mở
Việc thông thạo tiếng Ả Rập không chỉ mở ra cánh cửa đến với một nền văn hóa lâu đời mà còn là tấm vé thông hành đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia Trung Đông, nhu cầu về nhân lực biết tiếng Ả Rập ngày càng tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như dầu khí, xây dựng, du lịch và ngoại giao. Những người theo học ngành Ngôn ngữ Ả Rập có cơ hội được hưởng mức lương cạnh tranh và nhiều phúc lợi hấp dẫn.
Tổng hợp