Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa chính thức có văn bản gửi Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD-ĐT góp ý lần 2 một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của bộ.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, trên cơ sở góp ý của các Phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể:
Với nội dung “Về việc tổ chức xét tuyển lớp 10 THPT: Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp THCS hoặc chương trình GDTX cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Sở GD-ĐT TP HCM góp ý: Việc sử dụng kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học THCS để làm căn cứ xét tuyển có thể tạo ra vấn đề thiếu công bằng trong tuyển sinh, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Bởi lẽ, kết quả học tập của học sinh tại các trường có thể bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, tạo ra độ “vênh” trong kết quả đánh giá của giáo viên. Về lâu dài, việc này gây ra tình trạng làm “đẹp” học bạ nhằm tăng cơ hội cho học sinh.
Với nội dung về việc tổ chức thi tuyển lớp 10 THPT: Số môn thi là 3, gồm toán, ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Môn thi thứ ba/bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH lựa chọn 1 trong 2 phương án, được công bố trước ngày 31-3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Còn bài thi tổ hợp được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS.
Sở GD-ĐT TP HCM góp ý: Chương trình GDPT 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình trước đây. Thực tế triển khai chương trình đã thể hiện nhiều điểm mạnh, cải thiện, trong đó rõ nhất là đã chú trọng hơn đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Ở bậc THCS, Thông tư 32/2018 của Bộ GD-ĐT quy định rất rõ cần đảm bảo học sinh được tiếp cận các kiến thức, vấn đề cơ bản, hiểu được nguyên lý và xác định được định hướng của bản thân, làm căn cứ lựa chọn các môn phù hợp ở bậc THPT để được học và nghiên cứu chuyên sâu, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp ở bậc ĐH theo đúng sở trường.
Do đó, việc quyết định môn thi thứ 3 phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh. Căn cứ chương trình GDPT 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm: Văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh, lịch sử. Trong đó, môn ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12; các môn còn lại khi lên THPT, học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt 3 năm, do định hướng nghề nghiệp của các em. Vì vậy, việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra “sốc” tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi.
Trên cơ sở đó, việc lựa chọn ngoại ngữ làm môn thứ ba đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh do đặc điểm xuyên suốt trong chương trình GDPT 2018. Lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 91-KL/TW về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, hướng tới người học thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Về nội dung công bố điểm chuẩn đồng thời với công bố điểm thi, Sở GD-ĐT góp ý: Cho phép địa phương được quyền quyết định thời điểm công bố điểm chuẩn dựa trên đặc điểm tuyển sinh của địa phương, đảm bảo quyền lợi thí sinh và phù hợp với lịch khai giảng của Bộ GD-ĐT. Việc này nhằm giúp địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của khu vực. Tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều loại hình cùng lúc, gây mất cân đối chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp; đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và tối ưu hóa việc phân bổ học sinh theo đúng nguyện vọng và năng lực.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, việc ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT thống nhất trên toàn quốc là cần thiết. Quy chế này sẽ là cơ sở để các Sở GD-ĐT xây dựng quy định tuyển sinh phù hợp với địa phương. Điều này giúp công tác tuyển sinh THCS và THPT ngày càng công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đặc biệt trong năm học 2025-2026, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển sinh THPT theo chương trình GDPT 2018.
Nhằm giúp việc xây dựng quy chế phù hợp và hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương, Sở GD-ĐT TP đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét trao quyền chủ động cho các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi, gồm: Lựa chọn môn thi thứ ba phù hợp; xây dựng quy chế tổ chức làm việc, coi thi, chấm thi và làm phách; chọn lựa nhân sự tham gia kỳ thi; quyết định thời gian công bố kết quả. Việc phân cấp này giúp các Sở GD-ĐT linh hoạt điều chỉnh công tác tổ chức thi theo mục tiêu phát triển của từng địa phương.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, cần sớm ban hành quy chế để các Sở GD-ĐT có thể xây dựng kế hoạch tuyển sinh, văn bản định hướng, chuẩn bị cơ sở vật chất…