“Mình treo một tô bún – Đổi lấy một nụ cười”
Tấm bảng treo trước cửa một quán bún riêu nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8, TP.HCM) cũng là nơi những tình yêu thương nho nhỏ giữa Sài Gòn rộng lớn cứ thế trao đi nhận lại mỗi ngày.
Chủ của quán bún treo 1829 này là bà Trần Thị Thuý Hồng. Theo bà Hồng chia sẻ, từ ngày thực hiện mô hình này, mỗi ngày đều có rất đông khách tới, cả để “treo bún” và nhận “bún treo”.
Những tô bún được treo ở quán của bà Hồng.
“Bạn có thể để lại một phần ăn để san sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương.
Bún treo đồng giá 25.000 đồng/tô. Gửi tặng mọi người mấy tô bún, cho ấm lòng nhaaa!”
25.000 đồng ở thời điểm vật giá leo thang giữa thành phố Sài Gòn có lẽ không đáng là bao, nhưng với bà Hồng, một tô bún treo đó có thể giúp những người lao động khó khăn có bữa sáng ấm bụng – điều mà trước đây họ chẳng dám nghĩ tới.
“Cô thấy phở treo ở Hà Nội có ý nghĩa nên cũng muốn bán “bún treo” giúp cho những người nghèo xung quanh. Tại cô thấy ở đây quá trời người khó khăn không có tiền ăn sáng. Nên cô cũng quyết tâm thực hiện mô hình này giúp mọi người có một bữa ăn đầy đủ.”
Khách “ruột” của hàng bún treo là những lao động nghèo, thường phải nhịn bữa sáng để dành dụm. Đó cũng là điều khiến bà Hồng luôn trăn trở không thôi:
“Hỏi tại sao lấy bún treo thì họ nói gia đình rất khó khăn, thậm chí là không có tiền ăn tô bún buổi sáng. Từ lúc có bún treo tới giờ họ có được tô bún, có sức lao động, thậm chí người ta còn nói lúc trước hay đau bao tử, bệnh hoạn mà từ lúc ăn người ta lên cân được 2 ký, cô cũng mừng.” – bà Hồng vui vẻ chia sẻ. Những điều tốt đẹp nhỏ bé được trao đi cũng là lúc cuộc sống của một người nào đó dần trở nên tốt đẹp hơn.
Đến nhận suất bún treo ấm nóng từ bà Hồng, bà Phạm Thị Thanh Thuý (quận 8) không khỏi vui mừng nói:
“Cô đỡ tiền ăn lắm, ngày nào cô đến ăn cô Hồng cũng cho ăn hết. Cô ấy bảo ăn đi, rất là ngon”
“Dù không có ai treo cô cũng treo cho”
Bà Hồng cũng chia sẻ thêm, dù số lượng suất bún treo ghi trên bảng có trở về 0 thì chưa từng có ai đến quán bà xin bún mà phải trở về tay không:
“Trên bảng còn có 5 suất bún treo nhưng 10 hay 15 người tới thì cô cũng giải quyết hết. Tại lúc họ tới, không thể chỉ trả lời một câu “hết bún treo rồi”. Gương mặt họ lúc nghe câu ấy rồi đi ra rất là buồn nên cô phải “ăn gian” treo cho họ luôn. Nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm, nên bước chân tới đây xin là cô không để cho họ về không đâu. Dù không có ai treo cô cũng treo cho.”
Và cứ thế, quán bún treo của bà Hồng mỗi ngày đều duy trì nhờ tình yêu thương của mọi người. Chẳng cứ giàu nghèo, thậm chí có người bán vé số chỉ cần bán được dư dả một chút trong ngày cũng sẵn sàng xin treo một tô để lại cho những người khó khăn hơn.
Mỗi suất bún treo đều là điều mang lại hạnh phúc cho bà Hồng mỗi ngày
“Nhiều khi khách đi đường họ thấy bảng hết cũng vào treo 4, 5 tô. Hôm qua có chị đi xe đạp chở con gái tới cũng bảo “Cô ơi, cho con treo 2 tô”. Người mua vé số tới cũng ăn rồi cũng treo lại, hôm nay người ta bán được nên treo lại cho những người sau. Có bé học sinh cứ gửi cô treo một tô là 25.000 đồng, ghi lại cho những người tới lấy.”
Bà cũng không khỏi vui mừng bởi từ ngày thực hiện mô hình này, quán bún của bà tấp nập người ra vào hơn hẳn trước kia. Mỗi lần cẩn thận xoá đi con số trên tấm bảng, cũng là lúc tâm trạng bà Hồng thêm phần hạnh phúc.
“Mệt thì mệt nhưng cô vui lắm. Trước mình bán cũng ít khách nhưng từ khi có mô hình treo tới giờ lúc nào cũng có bà con tới nhà mình, cô thấy vui lắm. Hạnh phúc khi mình treo những phần ăn dành cho mọi người.”