Tuần qua, VN-Index tăng 17,64 điểm lên mức 1,275.14 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 2,06 điểm lên 229.13 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn cũng tăng nhẹ.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng 33,19 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng hơn 265 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 210.350 đơn vị, giá trị mua ròng hơn 27 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên thị trường Upcom, khối ngoại mua ròng 2,14 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng hơn 15 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 23 – 27/12 trên toàn thị trường, khối ngoại đã mua ròng 35,54 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng hơn 308 tỷ đồng.
Cổ phiếu GMC sắp phải rời sàn
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu Công ty CP Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC).
Việc hủy niêm yết căn cứ báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024 của Garmex và văn bản số 735 ngày 16/12 của Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS) xác nhận thông tin: “Công ty đã bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5/2023 đến nay (đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán ngày 15/8)”.
Cụ thể, Garmex không có phát sinh doanh thu và chi phí sản xuất đơn hàng, chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể cho nhân viên bộ phận trực tiếp và gián tiếp được giữ lại, chi phí duy trì, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.
Như vậy, cổ phiếu GMC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155 ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: “Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên”.
Do đó, HoSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC theo quy định.
Garmex Sài Gòn từng là một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động. Công ty được thành lập năm 1976, được cổ phần hóa vào năm 2004 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) từ năm 2006.
Với 5 nhà máy có tổng diện tích hơn 10 ha và 70 dây chuyền sản xuất, Garmex Sài Gòn là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp này có hơn 4.000 công nhân làm việc, doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2022, doanh số của công ty sụt giảm tới 93% so với năm trước đó và lần đầu tiên GMC báo lỗ. Do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Doanh nghiệp này mạnh tay cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số lao động của Garmex Sài Gòn chỉ còn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung trong hai năm 2022 – 2023, có khoảng 3.775 lao động bị mất việc ở Garmex Sài Gòn. Riêng quý IV/2023, doanh nghiệp này cắt giảm đến 1.947 người.
Năm 2023, Garmex Sài Gòn báo lỗ gần 52 tỷ đồng, có giảm so với mức lỗ 85 tỷ đồng năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, Garmex Sài Gòn lỗ lũy kế hơn 73 tỷ đồng.
Hiện tại, công ty đang toàn lực thanh lý tài sản. Ngành nghề chính là dệt may vẫn chưa có đơn hàng. Garmex Sài Gòn đã có nhiều đợt chào bán tài sản không sử dụng nhưng phần lớn đều không bán được.
Trong 9 tháng năm nay, doanh thu Garmex vỏn vẹn 474 triệu đồng, bình quân chưa tới 2 triệu đồng/ngày. Dù tiết giảm nhưng các chi phí cố định lớn hơn nhiều doanh thu, khiến công ty lỗ ròng gần 8 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cuối kỳ lên 82 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 20 tỷ đồng.
Chủ tịch KBC tiếp tục chuyển 11% vốn
Ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) – thông báo tiếp tục chuyển nhượng hơn 11% vốn cho công ty liên quan sau khi chuyển nhượng bất thành 2 lần trước đó.
Cụ thể, từ 25/11 – 24/12, ông Tâm không chuyển nhượng được hơn 86,5 triệu cổ phiếu KBC cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển DTT do chưa hoàn tất thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền.
Đây là lần thứ 2 chuyển nhượng bất thành của ông Tâm cho DTT. Ở lần 1, ông Tâm chuyển nhượng số cổ phiếu trên cho từ ngày 9/9 – 8/10. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch, ông Tâm báo cáo thương vụ chuyển nhượng bất thành vì chưa hoàn tất thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền.
Hiện, ông Tâm có thông báo tiếp tục chuyển 86,55 triệu cổ phiếu KBC lần 3 cho DTT nhưng theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian dự kiến từ ngày 2 – 28/1/2025. Trong 2 lần trước đó, ông Tâm muốn chuyển quyền sở hữu số cổ phiếu trên cho DTT dưới hình thức góp vốn bằng cổ phiếu, giao dịch sẽ được thực hiện thông qua Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.
Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu trực tiếp của cá nhân ông Tâm tại KBC sẽ giảm từ 18,06% xuống còn 6,79%, tương đương hơn 52 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, DTT sẽ nắm giữ 11,27% vốn KBC.
Vừa trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – mã chứng khoán: VNS) hơn 1 tuần, ông Lê Hải Đoàn tiếp tục mua thêm 2 triệu cổ phiếu VNS để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinasun lên 8,96% vốn (6,1 triệu cổ phiếu). Giá trị giao dịch là 20 tỷ đồng.
Động thái gia tăng thêm sở hữu của ông Đoàn diễn ra sau hơn 1 tuần ông trở thành cổ đông lớn của VNS. Trước đó, ông Đoàn từng mua hơn 1,4 triệu cổ phiếu VNS trong ngày 13/12, nâng sở hữu lên 6,01% vốn.
Ông Đoàn đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HIPT. Hiện, HIPT cũng đang sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu VNS (tỷ lệ 3,4% vốn). Như vậy, nhóm cổ đông liên quan ông Đoàn đang nắm 12,32% vốn Vinasun.