Học phần quân sự ở đại học thường kéo dài từ 3 – 4 tuần và thường được tổ chức tập trung, cung cấp cho sinh viên cả lý thuyết, thực hành cơ bản về quốc phòng, an ninh, kỹ năng quân sự cũng như rèn luyện thể chất, tinh thần. Vậy sinh viên có bắt buộc phải học quân sự không?
Sinh viên có bắt buộc phải học quân sự?
Theo Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh năm 2013 và Luật Giáo dục Đại học năm 2012 (sửa đổi năm 2018), môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh (hay còn gọi là môn quân sự) là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo hệ đại học. Để được công nhận tốt nghiệp, sinh viên bắt buộc phải hoàn thành học phần này.
Chính vì vậy, các trường đại học tại Việt Nam đều bắt buộc sinh viên đi học quân sự. Khóa học giúp sinh viên hiểu biết về tình hình an ninh, quốc phòng của đất nước, khu vực và thế giới. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, môi trường quân đội giúp sinh viên rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì, lòng dũng cảm và khả năng vượt qua khó khăn. Bất kỳ sinh viên nào cũng phải rèn luyện kỹ năng quân sự cơ bản như đội ngũ, chiến thuật, sơ cứu, phòng chống cháy nổ,… và kỹ năng mềm làm việc nhóm, lãnh đạo, giải quyết vấn đề, thích ứng với môi trường mới.
Một trong những lý do quan trọng nhất buộc sinh viên phải hoàn thành khóa học quân sự chính là chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là loại chứng chỉ cần thiết để sinh viên đại học đủ điều kiện để xét tốt nghiệp đại học. Đồng thời, để được cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh, sinh viên phải có điểm trung bình đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) khi tham gia khóa học quân sự.
Để đảm bảo tốt nghiệp đúng hạn, sinh viên cần phải có chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh. Nếu không thì sinh viên cần phải học lại môn học này cho đến khi được cấp chứng chỉ thì mới có thể xét tốt nghiệp và ra trường.
Trường hợp miễn, tạm hoãn học quân sự
Sinh viên được miễn học quân sự trong trường hợp có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp do các trường quân đội, công an cấp và có chứng chỉ tương ứng với trình độ đào tạo. Ngoài ra, sinh viên là người nước ngoài cũng được miễn học phần quân sự.
Sinh viên khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật, không đủ sức khỏe về thể lực hoặc mắc những bệnh lý thuộc diện miễn làm nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành và sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân sẽ được miễn học các nội dung thực hành kỹ năng quân sự.
Nội dung của thông tư này cũng quy định sinh viên vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, phải có giấy xác nhận của bệnh viện nơi điều trị và sinh viên nữ đang mang thai hoặc trong thời gian nghỉ chế độ thai sản được tạm hoãn học quân sự.
Giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục là người trực tiếp xem xét tạm hoãn học quân sự cho những trường hợp nêu trên. Hết thời gian tạm hoãn, cơ sở giáo dục phải bố trí cho sinh viên vào học các lớp phù hợp để hoàn thành chương trình.