Trong môi trường làm việc, giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, suy nghĩ đến tất cả mọi người. Không những vậy, việc giao tiếp khéo léo còn mở ra cho mỗi cá nhân những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và tạo tiền đề cho nhiều mối quan hệ chất lượng trong tương lai.
Một trong những trường hợp giao tiếp phổ biến nhưng không hẳn ai cũng biết cách đối đáp hợp lý chính là khi nhận được lời khen từ cấp trên. Ví dụ, khi bạn vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ hay một dự án quan trọng, sau khi kết thúc buổi họp, lãnh đạo chủ động khen ngợi sự nỗ lực của bạn: “Bạn làm việc tốt lắm’’.
Trên thực tế, khi nhận được những lời khen tương tự như vậy, nhiều người có xu hướng ngại ngùng và bối rối vì không biết trả lời như thế nào.
Có người sẽ nhanh nhẹn đáp ‘‘không có gì’’ nhưng đây lại là cách trả lời kém tinh tế và có phần vụng về. Theo đó, câu nói này khá lịch sự nhưng lại có phần khách sáo và không phù hợp với mối quan hệ nhân viên – cấp trên trong môi trường công sở. Nên nhớ, việc sếp chủ động khen ngợi đã thể hiện rõ sự quan tâm của họ với kết quả công việc và sự nỗ lực của bạn. Nếu bạn trả lời một cách qua loa thì có thể khiến đối phương cảm thấy không được lắng nghe và tôn trọng.
Ngoài ra, bạn cũng không nên chỉ đáp lại lời khen ngợi của sếp bằng từ ‘‘cảm ơn’’. Lý do là vì đây là câu nói cụt ngủn, không có đầu đuôi và chủ đích. Không chỉ trong môi trường làm việc, mà bất kỳ tình huống nào khác, bạn cũng nên khéo léo kết hợp từ ‘‘cảm ơn’’ với một vài nội dung khác để bày tỏ sự quan tâm và biết ơn của bản thân đối với lòng tốt của mọi người.
Vậy với những người có EQ cao, họ sẽ ứng xử như thế nào khi bất ngờ được cấp trên khen ngợi?
Lời khen ‘‘bạn làm việc tốt lắm’’ là một cách khích lệ tinh thần và công nhận sự đóng góp của một cá nhân đối với công việc. Và một câu trả lời cho thấy EQ cao cần ít nhất 2 trong 3 yếu tố: Thể hiện cảm xúc chân thật, nhấn mạnh tinh thần đồng đội và khẳng định vai trò của người lãnh đạo.
Đặc biệt, việc khẳng định vai trò quan trọng của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng vì sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng và công nhận. Qua đó, bạn cũng có thể gây được ấn tượng tốt hơn với cấp trên của mình.
Thay vì đáp ‘‘cảm ơn’’ hay ‘‘không có gì’’, bạn có thể tham khảo các cách trả lời sau:
– “Không sao đâu sếp, đây là việc tôi nên làm. Đó cũng là một cơ hội để tôi rèn luyện bản thân. Nếu có cơ hội lần sau, tôi sẽ làm hết mình hơn nữa.”
– “Cảm ơn, tôi thật vui khi được nghe điều đó. Công việc đạt được hiệu quả như vậy còn có sự góp sức của các phòng ban nữa ạ’’
– “Cảm ơn sếp đã dành thời gian theo dõi và đánh giá công việc. Tôi rất biết ơn vì điều đó’’.
– ‘‘Cảm ơn sếp. Tôi hy vọng những việc bản thân đã làm có thể đóng góp vào kết quả chung của cả công ty’’
Những lời đối đáp như trên không chỉ thể hiện được cảm xúc chân thật của bạn khi nhận được lời khen mà còn cho thấy sự chân thành, tôn trọng của bạn đối với cấp trên cũng như đồng nghiệp. Điều này có thể khiến người lãnh đạo cảm thấy bạn đang ghi nhận lời khen của họ, đồng thời còn biết suy nghĩ cho công việc chung của tất cả mọi người.
Không chỉ trong trường hợp nhận được lời khen từ cấp trên mà dù đi đến đâu bản thân họ cũng biết cách thể hiện bản thân một cách vừa phải và hợp lý. Người EQ cao không chỉ là những người có năng lực chuyên môn mà còn có thể kiểm soát tốt cảm xúc, hành động và lời nói của bản thân. Bằng cách này, họ sẽ đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong công việc và các mối quan hệ xã hội.
(Theo Toutiao)