Từ khi có bầu, tôi thường xuyên trò chuyện, lắng nghe kinh nghiệm dạy con từ các đồng nghiệp đã làm mẹ ở công ty. Con cái đồng nghiệp của tôi thì muôn vẻ, có đứa ngoan ngoãn, học giỏi, có đứa thì học hơi kém, lại nghịch ngợm,… – mỗi đứa trẻ, mỗi bà mẹ đều khiến tôi ngộ ra nhiều điều về hành trình nuôi dạy con cái.
Tôi cũng tham khảo nhiều bộ phim về chủ đề nuôi dạy con cái, giáo dục giới tính, từ Mẹ hổ bố mèo, Tiểu Biệt Ly của Trung Quốc, Green Mothers’ Club của Hàn Quốc, Những bà nội trợ kiểu Nhật của Nhật Bản, đến Sex Education của Anh,…
Tôi vẫn nhớ vào giờ nghỉ trưa, khi tranh thủ ngồi xem một tập phim Sex Education, chị Hạnh, đồng nghiệp công ty tình cờ trông thấy đã nói với tôi rằng: “Phim này ổn đấy. Nếu như chị xem phim này sớm, thì có lẽ giờ 2 mẹ con chị đã không như nước với lửa”.
Sau khi tôi “gạ” mãi, chị mới kể chuyện. Chị Hạnh kể, những năm cấp 1, con chị ngoan lắm, nhưng lên cấp 2, có lẽ vì dậy thì nên có chút phản nghịch. Đỉnh điểm là một lần vào cuối năm lớp 8, con lén trốn học đi chơi và bị cô giáo gọi điện về nhà.
“Lần đó chị mắng mỏ thằng M. thậm tệ. Chị gọi nó là “thằng hết thuốc chữa”, ” sau này không trông mong được gì”, “nuôi tốn cơm tốn gạo”. Nói chung là chị quy chụp con chị bằng những từ không ra gì em ạ”, chị Hạnh kể lại.
Sau lần đó, chị Hạnh cảm thấy mối quan hệ giữa 2 mẹ con rạn nứt. Con chị dường như không muốn nói chuyện với mẹ nữa. Những cuộc đối thoại hàng ngày của 2 mẹ con rất khô cứng, dù chồng chị đã cố gắng giúp đôi bên làm hòa.
“Nếu chị xem phim Sex Education sớm hơn…”
“Thế rồi một hôm, chị nhận được tin nhắn của một chị phụ huynh cùng lớp em ạ. Chị này là mẹ của cái đứa trốn học cùng con chị hôm đấy. Có tất cả 3 đứa trốn học cùng nhau. Nghe chị ấy nói chị mới biết, hóa ra chúng nó bị áp lực học tập. Chúng nó có 1 nhóm chat chung, tâm sự với nhau nhiều lắm. Từ việc cảm thấy mệt vì học lớp chọn, khối lượng bài vở nhiều, đến việc không biết có thi nổi trường mà bố mẹ muốn không. Hôm đó chúng nó “đưa nhau đi trốn” để giải tỏa”, chị Hạnh kể thêm.
Chị Hạnh bảo với tôi, biết sự thật chị bật khóc, vừa buồn vừa xấu hổ vì đã không quan tâm đến tâm lý của con, vì không tìm hiểu mọi việc, vì vài lần con nghịch ngợm mà đã quy kết con là người xấu. Chị đã xin lỗi con nhưng có lẽ phải mất một thời gian con mới nguôi ngoai và tha lỗi cho mẹ.
Trong khoảng thời gian đó, chị cũng xem nhiều bộ phim về chủ đề dạy con, trong đó có phim Sex Education. Có một câu thoại của nhân vật Otis mà chị nhớ mãi, và “truyền lại” cho tôi, đó là: “Ai trong chúng ta cũng đều phạm sai lầm và làm những điều không hoàn hảo. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta là người xấu”. (We all mess up and do impure things. Doesn’t mean we’re bad people).
Chị Hạnh dặn tôi hãy ghi nhớ để dạy con. Sau khi nói chuyện với chị, tôi đã suy nghĩ mãi. Trò chuyện với nhiều cha mẹ, tôi nhận thấy, không chỉ chị Hạnh mà còn không ít người lớn khác rất “nhanh nhảu” dán nhãn trẻ mỗi khi chúng mắc lỗi. Trong khi đó, chính người lớn chúng ta cũng đang mắc lỗi từng ngày.
Câu chuyện của gia đình chị Hạnh là một bài học để tôi học được 6 điều quan trọng. Đó là: Chấp nhận sai lầm là một phần trưởng thành của con, Nuôi dưỡng sự bao dung và lòng đồng cảm, Không gắn lỗi lầm với giá trị bản thân của con, Dạy con biết chấp nhận bản thân với cả điểm mạnh và điểm yếu, Làm gương bằng cách thừa nhận sai lầm của chính mình và Nuôi dạy con dựa trên tình yêu, không phải sự phán xét.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm, là cha mẹ, chúng ta cần học cách yêu thương, chấp nhận và hướng dẫn con cái một cách nhẹ nhàng, không phán xét.
Tôi nhận ra rằng: Điều quan trọng không phải là tránh mọi sai lầm, mà là giúp con biết cách đối diện, sửa chữa và trưởng thành từ những lỗi lầm đó. Đây sẽ là điều mà tôi phải ghi nhớ suốt đời!