“Thoát cảnh con thi cấp 3, đại học mà bố mẹ vừa nặng đầu vừa tốn kém. Hà Nội chỉ đạo tổ chức các kỳ thi năm 2025 theo hướng giảm áp lực” – đây là một “status” reo vui của một phụ huynh Hà Nội thu hút sự chú ý.
Tâm trạng phấn khởi của phụ huynh này xuất phát từ việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 mới đây.
Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện chủ động nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi.
Sở GD-ĐT được giao hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra với học sinh lớp 12; không để thầy trò và các trường bị động, gặp khó trước kỳ thi. Sở cũng cần cung cấp chính xác và đầy đủ thông tin về kỳ thi, hướng dẫn để các trường chuẩn bị chủ động; công tác thông tin, truyền thông phải kịp thời.
Ngoài ra, ông Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu kỳ thi phải được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí; Các quận, huyện cùng cơ quan chuyên môn cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, nhất là phương án ứng phó với tình huống bất thường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các địa điểm thi.
Phụ huynh cũng cần giảm áp lực
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là năm đầu tiên đổi mới phương án thi, đặc biệt đối với môn Ngữ văn thi theo chương trình mới, ngữ liệu có thể ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa; chấm dứt tình trạng đồn đoán về đề thi cũng như học sinh sẽ không còn học tủ, học lệch. Với những thay đổi này, chắc chắn sẽ gây ra tâm lý băn khoăn, lo lắng cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo giảm áp lực khiến cho nhiều học sinh, phụ huynh có phần nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, phía dưới bài đăng của phụ huynh này, nhiều bố mẹ cũng cho biết, Hà Nội giảm áp lực là một chuyện, còn áp lực lớn nhất vẫn đến từ chính gia đình.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây do bị ảnh hưởng bởi xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh ngày nay, việc con trượt các kỳ thi được xem là một thất bại lớn. Do đó, trong hầu hết các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp, phụ huynh luôn đặt kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả thật cao, sẽ trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn, nên đôi lúc chẳng để tâm đến nguyện vọng, ước mơ của con em mình.
Bố mẹ cần giúp con hình thành và thích ứng với lịch trình học hành, ôn thi, giảm lo âu và lo lắng cho các em. Mặc dù một chút áp lực cũng sẽ biến thành động lực để các em nỗ lực hơn trong năm cuối cấp này, nhưng cả phụ huynh lẫn các thí sinh cần phải hiểu rằng, vẫn còn rất nhiều con đường để lựa chọn nên không cần phải đặt áp lực quá lớn lên vai.
Để giảm áp lực tâm lý cho học sinh, phụ huynh cần động viên, chia sẻ khó khăn mà học sinh đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện. Qua đó, sớm nhận ra những vấn đề tâm lý đang tồn tại để có biện pháp tác động, can thiệp một cách kịp thời.
Tuy vậy, không thể phủ nhận phụ huynh trong xã hội hiện đại đã có lối tư duy mở, biết đầu tư vào bản thân nên không còn đặt kỳ vọng thái quá cho con trẻ. Thay vào đó, họ học cách thấu hiểu, kiên nhẫn và làm bạn với con, cũng biết cách hạ thấp kỳ vọng để phù hợp với năng lực của con.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh được chọn hai trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025. So với năm 2024, số môn thi đã giảm hai, số buổi thi giảm một.