Ngày nay, khi càng nhiều doanh nghiệp tập trung vào phát triển các nền tảng trực tuyến, nhu cầu về hỗ trợ công nghệ thông tin (CNTT) trở nên bức thiết hơn. Theo dự báo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, thập kỷ tới, số lượng việc làm trong lĩnh vực này sẽ tăng ít nhất 15%, tăng trưởng này gần gấp 3 lần so với mức trung bình của tất cả các ngành nghề.
Công việc hỗ trợ công nghệ thông tin (CNTT) thường không được xem là một nghề hấp dẫn trong ngành công nghệ. Theo bà Lisa Gevelber, phó chủ tịch tại Google, hỗ trợ CNTT thường được coi là công việc phía sau hậu trường. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng công việc này mang lại mức lương cạnh tranh, nhiều cơ hội phát triển và tính linh hoạt trong công việc.
Bà Gevelber còn nhấn mạnh rằng hiện có hơn 300.000 vị trí hỗ trợ CNTT đang cần tuyển dụng tại Mỹ.
Lượt tìm kiếm các từ khóa như “việc làm hỗ trợ CNTT” và “kỹ năng hỗ trợ CNTT” trên Google đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2024.
Do tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhiều công ty sẵn sàng tuyển dụng nhân viên hỗ trợ CNTT mà không yêu cầu bằng cấp đại học. Tuy nhiên, Google cung cấp các chương trình chứng chỉ nghề nghiệp với các khóa học và chứng chỉ về hỗ trợ CNTT, an ninh mạng và phân tích dữ liệu.
Một số công việc phổ biến nhất trong hỗ trợ CNTT bao gồm chuyên gia hỗ trợ máy tính, nhà phân tích bộ phận trợ giúp và kỹ thuật viên hỗ trợ CNTT.
Các chuyên gia hỗ trợ CNTT phải thành thạo trong việc chẩn đoán và giải quyết sự cố kỹ thuật, cho dù đó là máy chủ bị trục trặc hay lỗi phần mềm.
Nếu người lao động có thể nắm vững cả hai kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm đó, “bạn sẽ thực sự xuất sắc trong lĩnh vực này”, bà Gevelber nói thêm.
Theo nghiên cứu gần đây của Lightcast, các chuyên gia hỗ trợ CNTT là cần thiết trong mọi ngành, nhưng có nhu cầu lớn về nhân lực trong các lĩnh vực sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ và kinh doanh.
Mức lương bình quân cho một số công việc hỗ trợ CNTT đã vượt 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ VNĐ). Theo Glassdoor, mức lương trung bình của các nhà phân tích hệ thống là 135.000 USD, trong khi mức lương trung bình của quản trị viên cơ sở dữ liệu là 118.000 USD một năm.
Người lao động cũng có thể tìm thấy hàng chục công việc hỗ trợ CNTT từ xa trên thị trường, một số công việc trong số đó trả lương lên tới 150.000 USD (hơn 3,8 tỷ VNĐ) một năm.
Tuy nhiên, tại Việt Nam để làm được công việc này bạn cần có vốn tiếng Anh tốt. Bên cạnh đó, công việc có thu nhập cao đồng nghĩa với áp lực và vốn kiến thức về ngành nghề tốt.
Không chỉ có tính cạnh tranh cao, các nền tảng tìm việc quốc tế này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo, có nhiều trường hợp ứng viên đã bị lừa làm việc không công thậm chí mất tiền trong khi tìm kiếm cơ hội việc làm.
Vì vậy, hãy xem xét thật kỹ trước khi làm việc, tốt hơn hết nên làm việc khi cả hai bên đã ký hợp đồng.
Theo: CNBC