Sau thành công của hai concert tại TPHCM, Anh trai say hi đổ bộ Hà Nội. Đêm diễn đầu tiên ngày 7/12 ghi nhận hàng chục nghìn người hâm mộ lấp đầy khán đài trên
sân vận động Mỹ Đình
.
Số đông hài lòng về chất lượng của chương trình cũng như màn trình diễn của các anh trai. Tuy nhiên, không ít vấn đề từ khâu tổ chức gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Không có gì lạ khi khán giả xếp hàng từ 3h sáng
Trước hết, cảnh tượng khán giả xếp hàng đông nghịt từ 3-4h sáng trên sân Mỹ Đình trong khi sự kiện diễn ra buổi tối gây chú ý. Một bộ phận cư dân mạng tỏ ra khó hiểu, thậm chí quan ngại về thực trạng thế hệ trẻ cuồng thần tượng.
Trao đổi với
Tiền Phong
, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng hiện tượng khán giả xếp hàng từ 3-4h sáng để chờ tham dự
concert Anh trai say hi
ngày 7/12 là hình ảnh ấn tượng, cho thấy sức hút đặc biệt của nghệ sĩ đối với người hâm mộ.
Đây không chỉ là minh chứng cho tình cảm cuồng nhiệt của khán giả mà còn phản ánh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ sĩ trong việc tạo dựng sự kết nối với cộng đồng fan.
Đối với nhiều người trẻ, việc chờ đợi xuyên đêm như vậy không chỉ để xem thần tượng biểu diễn mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ, nơi họ được hòa mình vào bầu không khí phấn khích của những người có chung niềm đam mê.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, hiện tượng này cũng gợi mở một số vấn đề cần được cân nhắc. Việc xếp hàng từ rất sớm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc không thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe như mất nước, mệt mỏi hoặc thậm chí ngất xỉu do kiệt sức.
Đây là điều mà cả người hâm mộ và ban tổ chức cần quan tâm. Trong các sự kiện âm nhạc quốc tế, đặc biệt là tại Hàn Quốc hay Nhật Bản, những tình huống tương tự thường được tổ chức một cách chặt chẽ hơn.
Ban tổ chức có thể áp dụng các biện pháp như phân khu vực chờ, phát số thứ tự hoặc giới hạn thời gian chờ đợi để tránh tình trạng khán giả phải đứng xếp hàng quá lâu.
“Đối với Việt Nam, đây là một tín hiệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền giải trí, nhưng cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm lớn cho nghệ sĩ và ban tổ chức trong việc đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho người hâm mộ. Nghệ sĩ không chỉ cần hiểu và trân trọng tình cảm của fan mà còn phải có những lời nhắn nhủ, định hướng phù hợp để khuyến khích người hâm mộ giữ gìn sức khỏe và tham gia sự kiện một cách văn minh, an toàn”, chuyên gia chia sẻ.
Về tình huống hi hữu xảy ra trong concert, khi khán giả ngất xỉu và cầu cứu trên sóng livestream, chuyên gia đánh giá đây là sự cố đáng tiếc, cho thấy sự thiếu sót trong khâu tổ chức và đảm bảo an toàn y tế tại sự kiện.
Sự cố đáng tiếc
Theo chuyên gia, trong một chương trình có quy mô lớn như concert Anh trai say hi, việc có đông đảo khán giả tham dự đòi hỏi ban tổ chức phải dự liệu các rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn, đặc biệt khi khán giả phải chờ đợi quá lâu và đứng chen lấn trong không gian hạn chế.
Việc tiếp tục chương trình bất chấp sự cố cũng là một điểm gây tranh cãi. Trong tình huống này, ban tổ chức cần nhanh chóng kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp, như điều động đội ngũ y tế tại chỗ, sơ tán khán giả gặp vấn đề về sức khỏe, đồng thời thông báo rõ ràng tới toàn bộ khán giả về tình hình để tránh tâm lý hoang mang.
Tạm dừng hoặc điều chỉnh chương trình trong những tình huống nghiêm trọng như vậy không chỉ là hành động cần thiết mà còn thể hiện trách nhiệm của ban tổ chức đối với sự an toàn của người tham dự.
Ngoài ra, khi sự việc xảy ra, truyền thông và mạng xã hội sẽ phản ánh ngay lập tức. Do đó, việc xử lý chuyên nghiệp, minh bạch không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn bảo vệ uy tín của ban tổ chức và nghệ sĩ.
Trong trường hợp này, quyết định tiếp tục chương trình mà không có động thái xử lý rõ ràng từ BTC vô tình khiến dư luận nhìn nhận chỉ ưu tiên phần trình diễn hơn sự an toàn của khán giả.
Về lâu dài, các chương trình lớn cần
xây dựng
quy trình ứng phó rõ ràng với các tình huống khẩn cấp, bao gồm lực lượng y tế đầy đủ, các lối thoát hiểm hợp lý, và cơ chế truyền thông nhanh chóng để xử lý sự cố ngay tại chỗ. Một sự kiện thành công không chỉ nằm ở chất lượng trình diễn mà còn ở cách tổ chức đảm bảo an toàn và mang lại cảm giác thoải mái cho khán giả.
“Tôi nhận thấy những vấn đề này hiện đang gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều về độ chính xác của thông tin và mức độ ảnh hưởng thực tế. Một số sự cố có thể đã xảy ra cục bộ, không phổ biến ở diện rộng, nhưng với quy mô một concert lớn, có sự tham gia của hàng chục nghìn khán giả, bất kỳ sai sót nào dù nhỏ cũng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong một sự kiện lớn như thế này, không chỉ các vấn đề lớn mà cả những chi tiết nhỏ cũng cần được giám sát chặt chẽ. Các sự cố như rơi flycam hay pháo hoa rơi xuống khán đài, nếu xảy ra, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Đây là những sai sót mà ban tổ chức không thể xem nhẹ hay phiên phiến bỏ qua.
“Điều quan trọng là ban tổ chức cần giữ thái độ cầu thị, lắng nghe phản hồi từ khán giả và truyền thông để không ngừng cải thiện. Một concert quy mô lớn không chỉ là cơ hội để tỏa sáng mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo mọi khâu tổ chức được thực hiện chỉn chu, từ an ninh, kỹ thuật, cho đến dịch vụ khách hàng. Mỗi phản ánh, dù lớn hay nhỏ, đều là cơ hội để học hỏi và làm tốt hơn trong các chương trình tiếp theo”, chuyên gia phân tích.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định nếu những sai sót này thực sự xảy ra, ban tổ chức cần công khai nhìn nhận trách nhiệm, đồng thời triển khai ngay các biện pháp rút kinh nghiệm như đào tạo lại đội ngũ, kiểm soát kỹ lưỡng hơn các thiết bị và quy trình sự kiện.
Điều này không chỉ giúp xây dựng lòng tin với khán giả mà còn tạo tiền lệ tốt cho việc tổ chức các sự kiện âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam. Một chương trình quy mô lớn cần phải đạt đến chuẩn mực, chứ không nên để những thiếu sót nhỏ làm lu mờ toàn bộ công sức của nghệ sĩ và ê-kíp.
Anh trai say hi gây chú ý
Một số ý kiến cho rằng chương trình Anh trai say hi gây chú ý qua việc công bố số lượng khán giả. Phân tích về khía cạnh này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng việc tạo ra các thảo luận công khai, thậm chí là tranh luận, thường được sử dụng như một chiến lược truyền thông nhằm tăng sức hút trong ngành giải trí.
Tuy nhiên, việc làm này chỉ thực sự hiệu quả nếu thông tin được cung cấp minh bạch và đúng sự thật. Nếu các con số hoặc dữ liệu bị phóng đại hoặc thiếu cơ sở, điều đó không chỉ gây mất lòng tin mà còn làm lu mờ những giá trị thực sự của chương trình.
“Tuy nhiên, tôi nhận thấy, việc ban tổ chức chọn im lặng trước các đồn thổi xung quanh số lượng khán giả hay các vấn đề khác cho thấy họ có thể đã chủ đích để những thông tin này lan tỏa, nhằm kích thích sự thảo luận và thu hút sự chú ý cho show diễn.
Đây là một lựa chọn của ban tổ chức – chấp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ những tranh cãi để giữ sự quan tâm của công chúng. Dù thực tế thông tin đó đúng hay sai, họ vẫn đặt niềm tin rằng sự bàn luận, dù trái chiều, sẽ mang lại lợi ích lớn hơn là bất lợi”, chuyên gia nêu quan điểm.
Theo chuyên gia, ở chiều ngược lại, khán giả cũng có quyền tự do trong lựa chọn của mình. Nếu chừng nào khán giả còn tiếp tục ủng hộ bằng cách tham gia tranh luận hoặc mua vé tham dự, ban tổ chức vẫn tiếp tục áp dụng cách làm này. Điều này tạo thành một vòng lặp: người tổ chức cung cấp drama để tăng sức hút, và khán giả vô tình tiếp sức bằng sự quan tâm của họ.
Đây là một bài toán không dễ giải. Quan trọng là cả ban tổ chức và khán giả đều nên tập trung vào giá trị cốt lõi – chất lượng âm nhạc và trải nghiệm chân thực mà chương trình mang lại. Một sự kiện thực sự thành công không cần dựa vào drama, mà cần được khán giả nhớ đến vì những giá trị lâu dài, bền vững hơn.
“Việc hâm mộ thần tượng là quyền tự do cá nhân, và thay vì cấm đoán, chúng ta cần tập trung vào việc điều chỉnh hành vi, định hướng giá trị và xây dựng sự hiểu biết giữa các thế hệ”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho hay.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích thêm hiện tượng giới trẻ dành nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng cho thần tượng đang gây nên những lo ngại nhất định trong xã hội.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề này một cách cực đoan, chia thành hai chiến tuyến rõ ràng – một bên là giới trẻ cuồng nhiệt thần tượng và một bên là người lớn, gia đình, nhà trường không ngừng phê phán – thì rất khó để tạo ra sự đồng cảm và tìm được tiếng nói chung.
Rõ ràng, thông điệp trong câu chuyện này đang bị diễn giải sai và hiểu sai từ cả hai phía. Thay vì khiến giới trẻ cảm thấy rằng họ bị phê phán chỉ vì hâm mộ thần tượng, điều mà người lớn cần nhắn nhủ là cách điều chỉnh hành vi trong việc thể hiện sự hâm mộ.
Việc yêu mến một nghệ sĩ hay thần tượng không phải là vấn đề, thậm chí đó có thể là động lực tích cực nếu được thực hiện trong giới hạn phù hợp. Nhưng điều quan trọng là cách hâm mộ ấy không được làm tổn hại đến sức khỏe, tài chính, các mối quan hệ xã hội hay giá trị cá nhân của chính họ.
Phía người lớn – bao gồm gia đình và nhà trường – cần tránh cách tiếp cận phê phán gay gắt, bởi điều đó chỉ làm tăng khoảng cách giữa các thế hệ. Thay vào đó, cần có những cuộc trò chuyện thẳng thắn, lắng nghe tâm tư của giới trẻ và giải thích rằng việc hâm mộ thần tượng cần được đặt trong khuôn khổ hợp lý. Đồng thời, cần trang bị cho giới trẻ khả năng tự nhận thức, phân biệt giữa sự ngưỡng mộ tích cực và sự mù quáng dẫn đến các hành vi tiêu cực.
Còn đối với giới trẻ, họ cũng cần hiểu rằng tình yêu với thần tượng không nên là cái cớ để biện minh cho mọi hành động của mình. Mỗi người hâm mộ có trách nhiệm xây dựng một cộng đồng tích cực và văn minh, tránh các tranh cãi hoặc hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến chính bản thân mình và hình ảnh của thần tượng mà họ yêu mến.
“Việc hâm mộ thần tượng là quyền tự do cá nhân, và thay vì cấm đoán, chúng ta cần tập trung vào việc điều chỉnh hành vi, định hướng giá trị và xây dựng sự hiểu biết giữa các thế hệ. Nếu cả người lớn và giới trẻ có thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ của nhau, đây không chỉ là một hiện tượng cần giải quyết mà còn là cơ hội để tạo ra sự kết nối và đồng cảm sâu sắc hơn trong xã hội”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.