Cải tạo căn nhà cũ bỏ hoang
Vương Di Quỳnh lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Vị Nam, Thiểm Tây, Trung Quốc. Khi cô mới 6 tuổi, cha mẹ chuyển nhà lên thành phố để cho cô có môi trường học tập tốt hơn. Với nỗ lực của bản thân, Vương Di Quỳnh thi đậu vào Đại học Kiến trúc và Công nghệ Tây An rồi học lên tiến sĩ.
Năm 2020, khi tham gia đề tài nghiên cứu “Phủ xanh quê hương”, cô Vương chợt nảy ra ý tưởng làm “sống dậy” ngôi nhà của gia đình đã bị bỏ hoang nhiều năm ở quê. Ngoài ra, việc bố của Vương Di Quỳnh có ý định “bỏ phố về quê” khi đến tuổi nghỉ hưu càng thôi thúc cô muốn cải tạo lại căn nhà tuổi thơ của mình. Thật may, kế hoạch của Vương Di Quỳnh đã được giảng viên chấp nhận.
Ngay sau đó, Vương Di Quỳnh đã cùng bạn bè về quê để đánh giá tình hình căn nhà cũ và lên kế hoạch cải tạo. Sau khi kiểm tra, họ phát hiện ngôi nhà này khá tối và ẩm ướt do thiếu ánh sáng. Đây cũng là chi tiết quan trọng giúp họ đưa ra kế hoạch cải tạo toàn diện.
Sau khoảng một tuần bàn bạc, nhóm của Vương Di Quỳnh đã lên kế hoạch cải tạo chi tiết dựa trên mô hình ngôi nhà cũ. Kế hoạch cải tạo này chủ yếu dựa theo hướng đổi mới công nghệ, tăng cường yếu tố bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, trong đó sử dụng những tấm pin mặt trời. Ngoài ra, họ còn có ý định biến ngôi nhà cũ trở thành một ngôi nhà thông minh.
Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như nhóm của Vương Di Quỳnh tưởng tượng. Khi giao bản vẽ chi tiết cho đội xây dựng xem xét thì đối phương cho biết kinh phí lên tới hơn 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng), vượt xa ngân sách của nhóm. Sau khi tính toán, họ quyết định thay đổi thiết kế, cố gắng thay đổi một số vật liệu cao cấp thành những vật liệu tiết kiệm chi phí hơn rồi bắt tay vào thực hiện. Tiến độ cải tạo ngôi nhà diễn ra nhanh hơn nhờ các thành viên trong gia đình Vương Di Quỳnh cũng về quê góp sức.
Để tiết kiệm chi phí, Vương Di Quỳnh quyết định không tráng xi bề mặt bên ngoài những bức tường gạch. Chi phí tuy giảm đi nhưng ở một khía cạnh khác, những bức tường này đã làm giảm tính thẩm mỹ của ngôi nhà rất nhiều. Sau khi thảo luận với nhóm, Vương Di Quỳnh quyết định bổ sung thêm một chi tiết để nâng tầm các bức tường.
Theo đó, họ đã nghĩ ra một phương pháp rất thông minh, đó là kết hợp kính vào những bức tường vốn đang rất đơn điệu. Điều này làm cho ngôi nhà trông sang trọng hơn và vấn đề ánh sáng cũng được giải quyết.
Ngắm thành quả mỹ mãn
Sau 1 năm miệt mài với gạch và vữa, Vương Di Quỳnh và các thành viên trong nhóm của cô cuối cùng cũng nhìn thấy được quả ngọt của mình.
Trước mắt họ, ngôi nhà cũ kỹ trong khoảng sân đổ nát trước đây đã biến thành một biệt thự độc đáo, mang phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét mộc mạc của nếp nhà thôn quê. Như trước đây, căn biệt thự này vẫn có sân trước, cổng nhà, gian nhà chính và gian nhà phụ với tổng diện tích gần 1.000m2, diện tích xây dựng là 270m2. Vương Di Quỳnh cho biết tổng chi phí cho việc cải tạo là 400.000 NDT ( hơn 1,4 tỷ đồng).
Nhìn ngôi nhà khang trang trước mắt, Vương Di Quỳnh và nhóm của cô nở một nụ cười hài lòng. Ngay sau đó, Vương Di Quỳnh trao lại căn nhà cho cha mình như một món quà nghỉ hưu ý nghĩa.
Cũng như bên ngoài, thiết kế bên trong căn nhà cũng tập trung vào yếu tố tối giản và tiết kiệm năng lượng. Để giải quyết vấn đề thiếu ánh sáng của ngôi nhà cũ, Vương Di Quỳnh đã thiết kế lại phần mái nhà.
Về mặt tiện nghi bên trong, một khoang cách nhiệt hình chữ C được thiết kế khéo léo. Nhóm của cô cũng sử dụng vật liệu thay đổi pha vào bức tường bên trong để tăng hiệu quả làm mát cho căn nhà. Khi nhiệt độ thay đổi, nó sẽ hấp thụ hoặc giải phóng năng lượng nhiệt, có thể thay thế cho máy điều hòa không khí và cũng có thể tiết kiệm năng lượng điện.
Không chỉ vậy, để có một môi trường sống thoải mái, Vương Di Quỳnh còn bổ sung thêm hệ thống trao đổi địa nhiệt, đảm bảo sự thoải mái về nhiệt độ trong nhà. Cô còn đặt 18 tấm pin mặt trời trên mái nhà, nếu thời tiết tốt và đủ ánh nắng có thể tạo ra 18 kWh điện. Điều này có nghĩa là căn nhà này có thể sử dụng điện từ pin mặt trời và gần như không tốn tiền điện trong suốt cả năm. Bên cạnh đó, căn nhà cũng được trang bị thiết bị xử lý nước thải có thể tái chế một số loại nước thải sinh hoạt.
Vào năm 2023, những nỗ lực của Vương Di Quỳnh và những người bạn của mình đã được đền đáp khi ngôi nhà trên đã giành được “Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế A+”, đây cũng là sự ghi nhận công sức của họ trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Qua “tác phẩm” của nhóm mình, Vương Di Quỳnh hy vọng sẽ lan tỏa thông điệp sống xanh, sống tối giản cho mọi người và phát triển thêm những công trình xanh ở vùng nông thôn.
(Theo Toutiao)