Sở GD&ĐT Phú Thọ vừa ban hành công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục.
Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo các trường bám sát quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời, công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm trên website và các cuộc họp phụ huynh. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả chương trình giáo dục chính khóa; tổ chức kiểm tra đánh giá nghiêm túc, khách quan, công bằng để nâng cao chất lượng giáo dục các môn học và giảm áp lực học thêm; “tuyệt đối không cắt xén chương trình để dạy thêm, học thêm”.
Sở GD&ĐT cho phép nhà trường tổ chức dạy thêm trên cơ sở tự nguyện của học sinh, đồng thuận của phụ huynh, nghiêm cấm ép buộc các em học thêm dưới mọi hình thức. Hoạt động dạy thêm, học thêm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, có chất lượng và hiệu quả.
“Lãnh đạo trường chịu trách nhiệm quản lý giáo viên dạy thêm ngoài trường theo quy định (không tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo đơn vị)”, công văn nêu rõ. Sở yêu cầu các trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý giáo viên dạy thêm trong, ngoài nhà trường theo quy định.
UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) yêu cầu các trường chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, theo phản ánh của phụ huynh, tình trạng giáo viên các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy thêm ngoài trường vẫn tiếp diễn dù đã có nhiều văn bản lưu ý, nhắc nhở. Do vậy, UBND TP Phan Thiết yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Trong đó, Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
UBND TP cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trên địa bàn. “Rà soát, kiểm tra các địa điểm cho thuê tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định; các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm”, văn bản nêu.
Hiệu trưởng các trường tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định. Trong đó, thống nhất với phụ huynh các nội dung liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm và mức phí học thêm theo thỏa thuận.
UBND TP Thái Bình (Thái Bình) chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Để giải quyết dứt điểm, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Phòng GD&ĐT chủ trì, tham mưu, tổ chức thực hiện, tránh tình trạng không kiểm tra thường xuyên để xảy ra vi phạm. Lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra các trung tâm, địa điểm tổ chức dạy thêm; kịp thời xử lý đơn vị, cá nhân vi phạm. “Nghiêm cấm giáo viên cắt xén nội dung chương trình trên lớp để gây sức ép cho phụ huynh cho con đi học thêm”, văn bản chỉ đạo của UBND TP nhấn mạnh.
UBND TP giao Phòng Nội vụ tham mưu xử lý kỷ luật hoặc điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Mới đây, Phòng GD&ĐT Quận 1 (TP.HCM) cũng ra văn bản nghiêm cấm giáo viên dạy thêm trái quy định theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT.
Phòng GD&ĐT quận yêu cầu giáo viên không dạy thêm học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Phòng GD&ĐT giao hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp công tác quản lý tài chính, tài sản, quản lý dạy thêm, học thêm. “Có trách nhiệm kiểm tra giáo viên thực hiện đúng các quy định trên, xử lý nghiêm, kịp thời cá nhân vi phạm”, Phòng chỉ đạo.
Cuối tháng 10, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) ra văn bản đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận thực hiện nghiêm túc việc dạy thêm, học thêm theo quy định. Các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trái quy định, chỉ được tham gia dạy thêm theo quy định và được sự đồng ý của hiệu trưởng.
Ngoài ra, quận yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường và kịp thời xử lý, kiểm điểm các các trường hợp vi phạm, đặc biệt các hành vi, thái độ của cán bộ, giáo viên buộc học sinh phải học thêm; không dạy thêm tại các cơ sở chưa được cấp phép hoặc chưa được hiệu trưởng xem xét đồng ý.
Nhà trường được giao nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm; thông báo công khai danh sách các cơ sở dạy thêm được cấp phép tổ chức để phụ huynh học sinh và nhân dân được biết.
“Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Phòng GD&ĐT về các vi phạm trái quy định. Nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không xét danh hiệu thi đua trong năm học”, Phòng GD&ĐT nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp 8, Quốc hội khoá XV diễn ra tháng 11/2024, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh”.
Học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Hiện giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép. Bộ GD&ĐT đang xây dựng quy định mới, loại bỏ các thủ tục hình thức. Chẳng hạn, thay vì xin phép hiệu trưởng, thầy cô có thể dạy nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Bộ cũng đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò, đại diện Bộ cho hay.