Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến đổi phức tạp, kéo theo sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. SựT cạnh tranh gay gắt trong thị trường việc làm ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt là đối với những bạn trẻ mới ra trường. Họ phải đối mặt với hàng loạt thách thức không nhỏ để có thể tìm kiếm cho mình một vị trí đứng vững trong xã hội.
Tình trạng thừa thầy thiếu thợ, sự không tương xứng giữa kỹ năng được đào tạo và yêu cầu của nhà tuyển dụng, cùng với tốc độ chóng mặt của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra một bức tranh đa dạng về cơ hội, song cũng vô vàn thách thức cho những người trẻ tuổi. Rơi vào tình huống này, nhiều bạn trẻ không biết làm cách nào để vượt qua.
Nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ Khoa học – Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024, hôm nay (7/12), sự kiện “Chào tương lai: Giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024” đã chính thức diễn ra. Giáo sư Carl H. June – chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, đã có những chia sẻ về việc tìm kiếm cơ hội cho các bạn trẻ.
Giáo sư Carl H. June (71 tuổi) là bác sĩ, giáo sư về Liệu pháp Miễn dịch tại Khoa Y học, Bệnh lý và Thí nghiệm Y học thuộc Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania (Mỹ). Ông cùng các đồng nghiệp đóng góp lớn cho nền y học khi phát triển một trong những liệu pháp tế bào đầu tiên cho bệnh ung thư, CAR-T. Phương pháp này hiện đã được chấp thuận để điều trị cho người lớn mắc bệnh bạch cầu kinh dòng Lympho (CLL), bệnh đa u tủy xương, và trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL).
Được biết, trước khi Giáo sư Carl H. June theo nghiệp khoa học, ông từng tham gia vào Hải quân Mỹ. Ban đầu, mọi người nghĩ ông sẽ “yên phận” với lựa chọn ban đầu của mình, nhưng bước ngoặt đã xảy ra thôi thúc ông theo đuổi sự nghiệp học tập và nghiên cứu khoa học, để rồi hiện tại ông đạt được nhiều thành công rực rỡ.
“Ở Mỹ có một vận động viên bóng rổ từng nói rằng, nếu ta thấy một con đường nào đó thì cứ tiếp tục theo đuổi. Nó đôi khi là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội. Việc tôi chuyển nghề cũng như vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tiếp tục hành trình này vì gia đình tôi không ai nghiên cứu về vật lý y học cả.
Khi bắt đầu theo đuổi đam mê từ hồi trung học hay đại học, chúng ta có thể không biết chắc mình sẽ đi đâu. Nhưng ta cứ luôn sẵn sàng tìm cơ hội cho bản thân. Thực ra đôi khi ta phải chấp nhận rủi ro, chứ không hẳn có lựa chọn nào cả.
Trên con đường đó, chúng ta phải tìm cho mình 2 người cố vấn, có thể giáo sư trong lĩnh vực học thuật nhưng cũng có thể là bạn bè đồng nghiệp người thân trong gia đình của chúng ta. Những người sẵn sàng chỉ dẫn chúng ta đi theo con đường đúng đắn”, Giáo sư Carl H. June chia sẻ.
Việc theo đuổi một con đường nào đó, dù là nghề nghiệp hay đam mê, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, những thách thức ấy cũng chính là cơ hội để phát triển bản thân, học hỏi kỹ năng mới và mở rộng tầm nhìn.
Trong thị trường lao động cũng vậy, điều quan trọng là bạn phải luôn tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Việc ra trường làm đúng ngành là việc tốt, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Điều quan trọng là chúng ta không ngừng học hỏi, sẵn sàng thích nghi với mọi sự thay đổi. Có thể hiện tại bạn thích làm kế toán, nhưng 5 – 10 năm nữa biết đâu bạn lại muốn thay đổi sang định hướng khác.
Khi bắt đầu một hành trình mới không nhất thiết phải luôn biết trước kết quả, nhưng quan trọng là phải luôn sẵn sàng và tích cực tìm kiếm cơ hội. Cũng cần phải dũng cảm chấp nhận rủi ro. Trong quá trình đó, chúng ta cần tìm kiếm cho mình những “mentor” – những người có thể cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ tinh thần, giúp ta đi theo hướng đúng đắn trên con đường mình đã chọn.