Đi vệ sinh trong giờ làm việc có phải là thương tích liên quan đến công việc không? Đây là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc sau cuộc tranh chấp tại một siêu thị ở thành phố Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Ngày 20/3/2022, nhân viên siêu thị họ Dư (tên đã được thay đổi) bị ngã khi đi vệ sinh tại chỗ làm việc. Đêm đó, cô không thể đi lại được và người chồng phải đến để bế vợ về. Sau khi đến bệnh viện để kiểm tra, cô được bác sỹ chẩn đoán gãy xương nhiều nơi trên cơ thể và phải nằm viện 38 ngày.
Khi hồi phục, cô Dư nộp đơn lên Cục An sinh Xã hội và Nguồn nhân lực địa phương để xác định thương tích liên quan đến công việc và đã nộp “Phiếu xác định thương tích do công việc” cho công ty vào ngày 6/5/2022.
Theo “Kết luận đánh giá khả năng lao động” được công bố vào ngày 17/7 năm đó, nữ nhân viên này được xác định là bị thương tật cấp độ chín. Vì vậy, cô đã nộp đơn xin bồi thường lên trọng tài lao động.
Lúc đầu, lãnh đạo công ty đồng ý với đơn xin bồi thường thương tích liên quan đến công việc của Dư, nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng vì cô chưa đóng bảo hiểm thương tích liên quan đến công việc nên công ty phải chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến vụ tai nạn của cô.
Số tiền công ty phải bồi thường tổng cộng là 201.504,24 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng) gồm chi phí nằm viện, tiền lương trong thời gian nghỉ việc, trợ cấp thực phẩm tại bệnh viện, trợ cấp tàn tật một lần, việc làm cho người tàn tật. Không muốn trả số tiền lớn như vậy, công ty quyết định “quay xe”, đệ đơn kiện hành chính lên Tòa án Nhân dân Châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn ở tỉnh Vân Nam.
Thẩm phán tòa sơ thẩm tuyên bố rằng thương tích của cô Dư đã được xác nhận bởi “Quyết định xác định thương tích lao động” do Cục An sinh xã hội và nguồn nhân lực của Châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn đệ trình và “Phán quyết hành chính” có hiệu lực. Vì vậy, công ty phải bồi thường cho cô theo luật định.
Công ty đã kháng cáo, nhưng phiên xử tiếp theo giữ nguyên phán quyết ban đầu.