Thị trường việc làm hiện nay đang chứng kiến cuộc đua tranh tài vô cùng khốc liệt. Để có thể tạo nên sự khác biệt và thu hút những ứng viên tiềm năng nhất, các nhà tuyển dụng không ngừng nâng cao tiêu chuẩn. Bên cạnh những yêu cầu về chuyên môn vững vàng, các doanh nghiệp còn đặc biệt quan tâm đến những ứng viên sở hữu tư duy sáng tạo, khả năng logic và một cái nhìn tổng thể về vấn đề. Điều này giúp họ tìm ra những giải pháp đột phá, nhanh chóng thích ứng với những thay đổi không ngừng của thị trường.
Vương Thanh, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp, đang trong quá trình tìm việc làm. Sau nhiều nỗ lực, anh nhận được lời mời phỏng vấn từ một tập đoàn lớn. Trong buổi phỏng vấn, ngoài những bài kiểm tra về chuyên môn, thì điều làm Vương Thanh bất ngờ chính là một câu hỏi “kỳ lạ” của nhà tuyển dụng: “Nếu chia 18 thành hai phần bằng nhau thì được bao nhiêu?”.
Những người tham gia phỏng vấn khi nghe xong đề bài thì cảm thấy vô cùng khó hiểu, quay qua nhìn nhau, rồi tất cả đều bắt đầu im lặng suy nghĩ.
Một lúc sau, ứng viên thứ nhất đứng dậy, có chút bực bội, nói: “Tôi đến đây để phỏng vấn, không phải để kiểm tra kiến thức cấp 1. Nếu anh nhất quyết muốn nghe đáp án thì câu trả lời của tôi là 9”.
Nhà tuyển dụng trước tình huống này chỉ biết mỉm cười và tiếp tục mời người tiếp theo.
Người thứ hai sau một hồi suy nghĩ liền nói: “Theo suy nghĩ của tôi về câu hỏi này, 18 nếu chia làm hai nửa thì cũng có thể là 1 và 8”. Nghe thấy câu trả lời này, khuôn mặt người phỏng vấn giãn ra, có chút hài lòng. Rồi sau đó anh ta tiếp tục nhìn đến ứng viên cuối cùng.
Người đó chính là Vương Thanh. Anh cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi cười nói: “Câu trả lời của tôi là 10. Bạn có thể tách ngang từ giữa số 18”. Đáp án này cũng nhận được sự đồng tình của người phỏng vấn.
Sau một hồi thảo luận, ứng viên thứ 2 và Vương Thanh đã xuất sắc được chọn trở thành những nhân viên chính thức của công ty, còn ứng viên thứ nhất với câu trả lời vô cùng thành thật đã không được may mắn mỉm cười.
Trong cuộc sống, đặc biệt là trong môi trường làm việc, câu trả lời đầu tiên bật ra đôi khi không phải là câu trả lời cuối cùng. Những ý tưởng, giải pháp đột phá thường đến sau quá trình suy ngẫm kỹ lưỡng. Chính vì vậy, nhà tuyển dụng thường đánh giá cao khả năng tư duy phản biện, khả năng tìm tòi và sáng tạo của ứng viên. Bởi lẽ, chỉ khi chúng ta dành thời gian để cân nhắc, chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và mang tính đột phá, góp phần tạo nên những thành công lớn.
Theo 360.doc