Gần đây, một câu hỏi phỏng vấn “dị” được lan truyền trên mạng, nghe có vẻ vô lý nhưng lại ẩn chứa nhiều điều sâu sắc. Câu hỏi đặt ra trong buổi phỏng vấn tại một công ty lớn dành cho 6 ứng viên như sau: “Nếu cả sếp và bạn cùng lớp của bạn cùng lúc cần mượn xe, bạn sẽ cho ai mượn?”
Ứng viên thứ nhất trả lời dứt khoát: “Tôi sẽ cho bạn cùng lớp mượn, vì chúng tôi có tình bạn lâu năm.”
Ứng viên thứ hai chọn cho sếp mượn, vì cho rằng sếp là người có thể giúp đỡ mình nhiều nhất trong công việc.
Ứng viên thứ ba suy nghĩ kỹ lưỡng rồi trả lời thận trọng: “Tôi sẽ không cho ai mượn cả. Việc cho mượn xe rất rủi ro. Nếu có chuyện xảy ra, người phải chịu trách nhiệm là chủ xe chứ không phải bạn cùng lớp hay sếp.”
Ứng viên thứ tư cũng chọn không cho ai mượn cả, với lý do: Cho bạn cùng lớp mượn sẽ làm sếp khó chịu, ảnh hưởng đến công việc; mà cho sếp mượn lại làm tổn thương tình bạn.
Ứng viên thứ năm trả lời thẳng thắn: “Điều này phụ thuộc vào mối quan hệ của tôi với họ. Tôi sẽ cho người thân thiết với mình mượn.”
Ứng viên thứ sáu, sau khi suy nghĩ một lát, trả lời mạch lạc: “Nếu là tôi, tôi sẽ xem ai liên lạc với mình trước. Nếu đã hứa cho bạn cùng lớp mượn, dù sếp có gọi điện xin mượn, tôi vẫn sẽ giải thích rõ tình hình và hỏi sếp có cách nào khác giải quyết vấn đề không. Ngược lại cũng vậy, vì lời hứa của mình rất quan trọng.
Tất nhiên, nếu sếp có vẻ khó chịu, điều đó cho thấy vị sếp này không phù hợp để làm việc lâu dài, tôi sẽ tìm kiếm một công việc khác. Tương tự, nếu bạn cùng lớp giận dỗi vì điều này, tức là người bạn này không đáng để giữ liên lạc, tôi cũng sẽ tránh xa.”
Nghe xong câu trả lời này, người phỏng vấn lập tức tuyển dụng ứng viên này.
Buổi phỏng vấn như một cuộc “hẹn hò nhanh” trong môi trường nghề nghiệp, người quản lý thông minh nhìn nhận nhân tài không chỉ dựa vào bằng cấp.
01. Sếp thích “nhân tài” hay “nô tài”?
Có nhiều người đặt câu hỏi: “Lãnh đạo thích người tài hay người nghe lời mình?”. Câu trả lời chỉ có ba loại: “Thích người tài, thích người nghe lời, thích người tài biết nghe lời.”
Trong cuộc sống, nhiều người biết đi uống rượu, tiếp khách với lãnh đạo, nhưng ít người có thể giải quyết vấn đề cho lãnh đạo. Và những người sau thường được lãnh đạo trọng dụng hơn. Tương lai của bạn không nằm trong ly rượu, mà nằm ở khả năng độc lập, tư duy độc lập của bạn.
Doanh nhân người Trung Quốc, Phùng Luân, từng chia sẻ một câu chuyện như sau: Họ cần làm một giấy phép kinh doanh ở Hải Nam, Trung Quốc. Lúc đó, việc xin giấy phép rất khó khăn. Thêm nữa cận Tết Nguyên đán, mọi người đều cho rằng trước Tết không thể xin được, công việc cũng sẽ bị chậm trễ.
Lúc này, một nhân viên nói với ông: “Anh Phùng, anh không cần lo việc này, để tôi giải quyết.”
Thực tế anh ta không quen biết ai cả, anh ta nghĩ ra một cách, đi mua đồ ăn cho người đánh máy, trò chuyện với người đánh máy, rồi người đánh máy này giúp anh ta, sau đó anh đi tìm những người khác, cuối cùng thực sự đã xin được giấy phép trước Tết.
Khả năng giải quyết vấn đề là năng lực cạnh tranh cốt lõi của một người, cũng là chỗ dựa vững chắc nhất của một người.
Những người “vâng lời” trong chốn công sở, dù ngoan ngoãn nghe lời nhưng tư duy cứng nhắc, không biết ứng biến, lại thiếu sức bật phát triển.
Trong tâm lý học có “hiệu ứng phụ thuộc vào hướng đi”, nói rằng một khi con người chọn một con đường đã định, ở một mức độ nào đó sẽ hình thành quán tính hành vi, nếu không có thay đổi mang tính đột phá, họ sẽ luôn phụ thuộc vào con đường đó đến cùng.
Trong môi trường làm việc cũng tồn tại hiệu ứng này, khi một người coi việc “ngoan ngoãn nghe lời” là thói quen để duy trì, họ cũng sẽ hình thành sự phụ thuộc vào con đường này, nhưng sự phụ thuộc này thường không hay và trở thành trở ngại trong sự phát triển của họ, dù bản thân cảm thấy tốt, nhưng thực tế kết quả lại rất tệ.
Có câu “Ba người thợ thường, bằng một Khổng Minh”, nếu trong ba người có hai người là những người “vâng lời”, không có khả năng tư duy độc lập, thì sự kết hợp như vậy làm sao sánh được với Khổng Minh?
Một người chỉ thỏa mãn với việc được sắp xếp công việc, chỉ cần hoàn thành, mà không chủ động suy nghĩ và lập kế hoạch, trong môi trường làm việc chắc chắn chỉ là một chiếc phao nổi, dễ bị loại bỏ.
02. “Làm cho người khác yên tâm” là lợi thế lớn nhất
Nơi nào có người, nơi đó là giang hồ. Trong giang hồ công sở, điều quan trọng nhất là không bị ràng buộc bởi tình cảm, biết từ chối, có thể bảo vệ mình; không vì địa vị mà nịnh hót, không kiêu ngạo, không tự ti, kiên định lập trường.
Một người có giá trị hay không, phụ thuộc vào nguyên tắc của người đó có giá trị hay không. Nếu hành vi không có giới hạn, thì nhân cách của bạn rất thấp kém.
Trong tiểu thuyết “Thế giới bình thường” của tác giả người Trung Quốc, Lộ Dao, câu chuyện về người lao động bình thường Tôn Thiếu Bình vươn lên trong cuộc sống để lại ấn tượng sâu sắc. Lúc mới lên thành phố, thiếu tiền thiếu thế, anh chỉ có thể lang thang kiếm việc làm, bất đắc dĩ, anh đến nhà chú họ. Dù chú họ không mấy thích anh, nhưng vẫn giới thiệu anh đi làm thợ hồ cho nhà ông Tào, giúp anh thoát khỏi cảnh khó khăn. Thiếu Bình rất biết ơn vì điều này.
Sau này, nhà ông Tào xây xong, chú họ cũng đến giúp, cùng với Thiếu Bình vận chuyển đá, nhưng không may làm xước tay, máu dính vào đá. Theo phong tục địa phương, thấy máu khi xây nhà là điều rất kiêng kị.
Chú họ muốn Thiếu Bình nể tình thân thích, giúp giấu diếm. Kết quả, Thiếu Bình không những không giấu diếm, mà còn chỉ thẳng ra.
Trong lòng Thiếu Bình, tình thân thích cần phải giữ, nhưng nguyên tắc làm việc càng không thể bỏ qua.
Trước đúng sai phải trái, không thể vì tình cảm mà làm những việc trái lương tâm.
Cuối cùng, công việc nhà ông Tào hoàn thành, khi thanh toán, bà chủ tính cho Thiếu Bình 2 tệ (khoảng 7 ngàn đồng) một ngày, trong khi lúc mới bắt đầu nhận công việc đã nói rõ là 1,5 tệ một ngày.
Thiếu Bình kiên quyết trả lại số tiền thừa cho bà chủ, anh cảm thấy con người không thể nói mà không giữ lời.
Sau này, ông Tào không chỉ giúp anh chuyển hộ khẩu vào thành phố, mà còn giới thiệu anh đi làm công nhân mỏ than Đồng Thành, “cơm áo gạo tiền” ổn định, Thiếu Bình có bước nhảy vọt về tầng lớp.
Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc “làm cho người khác cảm thấy yên tâm” là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.
03. “Nhân cách không tốt, không gì cứu nổi bạn”
Có câu nói rằng: “Sự thông minh và năng lực của bạn quyết định bạn có thể đạt được gì, nhưng nhân cách của bạn lại quyết định bạn cuối cùng sẽ đi đến đâu.” Sau cùng, mỗi người đều dựa vào nhân cách, môi trường làm việc cũng vậy, nhân cách không tốt, bằng cấp cao cũng vô ích.
Tôi đã đọc được một câu chuyện như vậy: Một cô gái du học nước ngoài, học vấn xuất sắc, năng lực ưu tú, lại mang danh một trường đại học nổi tiếng, việc tìm được một công việc lương cao, trang trọng lẽ ra là việc dễ như trở bàn tay.
Nhưng, điều kỳ lạ là, cô ấy đã phỏng vấn nhiều công ty, và những công ty này ban đầu đều rất nhiệt tình, nhưng cuối cùng đều từ chối cô ấy.
Những lần thất bại liên tiếp trong việc tìm việc làm cho cô ấy tức giận, cô ấy đã đến chất vấn người phỏng vấn: “Tôi đáp ứng mọi yêu cầu của vị trí công việc, tại sao không được tuyển dụng, các người có phân biệt đối xử giới tính không, nếu không, hãy cho tôi lý do bị từ chối.”
Kết quả, lời nói của nhân sự làm cô ấy câm nín: “Chúng tôi không phân biệt đối xử với bạn, ngược lại, chúng tôi rất coi trọng bạn. Lúc bạn đến phỏng vấn, chúng tôi rất quan tâm đến lý lịch học tập và trình độ học vấn của bạn, thành thật mà nói, về năng lực làm việc, bạn chính là người chúng tôi muốn tìm. Nhưng chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ tín dụng của cô, phát thấy bạn có ba lần bị phạt vì trốn vé xe buýt.”
Thì ra, cô gái này khi du học ở nước ngoài, hệ thống xe buýt ở đó là tự bán vé, và không có người soát vé, hoàn toàn dựa vào ý thức tự giác.
Để tiết kiệm tiền, cô đã lợi dụng lỗ hổng của quy tắc, chọn cách trốn vé.
Lúc đó, thực sự đã tiết kiệm được kha khá tiền. Nhưng hiện tại, cô ấy phải trả giá “tín dụng” của mình.
Nhân cách là giấy thông hành nghề nghiệp quý giá nhất của một người.
Trong tiêu chuẩn tuyển dụng, nhân cách có ý nghĩa sâu sắc, không ai muốn tin tưởng, trọng dụng một nhân viên có nhân cách kém.
Sở hữu nhân cách tốt đã trở thành chuẩn mực tận tâm trong thăng tiến nghề nghiệp của người hiện đại và là nền tảng vững chắc cho một cuộc sống thành công.
Trong phim “Trường Giang số 7”, Châu Tinh Trì vào vai một người lao động cấp thấp, thường nói với con mình rằng: “Dù chúng ta nghèo, nhưng chúng ta không nói tục, chúng ta không ăn cắp, chúng ta không cướp giật, những thứ không thuộc về mình, chúng ta sẽ không lấy, con phải cố gắng học hành, sau này trở thành người có ích.”
Học vấn không đủ, có thể nâng cao; năng lực không đủ, cũng có thể rèn luyện; nhưng nhân cách không tốt, thì không gì cứu nổi bạn.
Nhà văn Emerson nói: “Nhân cách là một sức mạnh bên trong, sự tồn tại của nó có thể trực tiếp phát huy tác dụng, mà không cần phải sử dụng bất kỳ phương tiện nào.”
Trạng thái công việc tốt nhất của một người là:
– Tư duy vượt trội, gặp chuyện không trốn tránh, có thể độc lập giải quyết vấn đề;
– EQ phù hợp, làm việc giữ nguyên tắc, không bị ràng buộc bởi tình cảm;
– Nhân cách cao, sống không hổ thẹn với lòng, người như vậy mới có thể vững bước tiến xa.
Cuộc sống giống như một khoản tiết kiệm, làm một người độc lập, giữ lời hứa, đáng tin cậy, cuộc sống sẽ vì thế mà càng thêm giàu có, sự nghiệp cũng sẽ càng ngày càng thuận lợi.