Ẩm thực Việt có những điều vô cùng thú vị, dễ thấy nhất là việc người Việt sáng tạo những thứ cây cỏ mọc dại thành những món ăn vô cùng hấp dẫn. Điển hình như với 1 loại cỏ thường được nhiều người gọi là cỏ 4 lá, thường thì chỉ bỏ đi, thế mà có nơi lại nấu thành món canh rất ngon.
Thật ra, nó chính là cỏ bợ, hay còn gọi là cỏ tần, tứ diệp thảo, điền tự thảo, dạ hợp thảo… Loài cỏ này khá giống me đất, nhưng trên ngọn nào cũng có 4 lá, còn me đất chỉ có 3 lá (trừ lá đột biến). Với những người nông dân thì cỏ bợ cũng là thứ cần “trừ khử” bởi nó gây hại đến sự phát triển của cây lúa. Thế nhưng thỉnh thoảng, chọn lấy 1 nắm cỏ non, mang về nấu bát canh thì bữa cơm hôm ấy lại hấp dẫn hơn hẳn.
Cỏ bợ, có nơi gọi là rau bợ thường được ngắt riêng từng ngọn, bỏ đi phần dây vì ăn rất dai. Sau đó, người ta rửa sạch, ngâm nước muối để khử bớt mùi tanh của đất bùn ngoài đồng ruộng. Rồi cứ thế, cho vào nấu canh như những loại rau khác.
Cỏ bợ có thể nấu canh cá rô, canh chua… nhưng phổ biến nhất có lẽ là canh cua. Những ngọn cỏ nấu lên ăn bùi, ngọt thanh như rau ngót, lại xen lẫn vị chua nhẹ của me, chút tanh của diếp cá… Tất cả hoà quyện, vô cùng lạ miệng và thú vị. Đặc biệt, khi kết hợp với các nguyên liệu như cua, cá rô… thì càng trở nên tuyệt vời.
Ngày nay, với sự phát triển của cuộc sống, không còn nhiều nơi dùng cỏ bợ để ăn nữa. Thế nhưng nó đã trở thành một phần ký ức khó quên của rất nhiều người sống ở các vùng thôn quê, khi mà những bát canh cua cỏ bợ cũng được xem như 1 thứ đặc sản.