Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể cũng như sức khỏe của con người. Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bạn khỏe mạnh và sống lâu, sống thọ hơn. Ngược lại, chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh tiêu hóa và cả ung thư.
Theo đó, những người sống thọ trên thế giới thường áp dụng một số quy tắc trong chế độ ăn uống để giúp bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Người sống thọ thường có “5 không” khi ăn uống
1. Không ăn quá nhanh, ăn quá no
Rất nhiều người có thói quen ăn nhanh, ăn đến khi no căng bụng. Tuy nhiên, việc ăn quá no sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu,…
Ngoài ra, ăn quá no, quá nhiều dễ gây ra tình trạng dư thừa chất béo và chất đạm. Lâu dần, các chất dinh dưỡng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể dẫn đến béo phì. Béo phì là nguồn cơn của nhiều căn bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, từ đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Theo trang Blue Zones, người dân ở Vùng Xanh (nơi tập trung nhiều người sống thọ) Okinawa, Nhật Bản thường áp dụng quy tắc chỉ ăn no 80% để bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Để giúp cơ thể nhận biết đã ăn no 80%, người dân Okinawa thường có thói quen ăn chậm. Điều này giúp dạ dày có thời gian truyền tín hiệu đến não bộ và thông báo rằng bạn đã no. Thực hành quy tắc ăn 80% giúp mọi người hạn chế việc ăn quá nhiều, từ đó giúp phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe.
2. Không ăn tối quá muộn
Ăn tối quá muộn, ăn tối sát giờ đi ngủ khiến cơ thể không có đủ thời gian để tiêu hóa hoàn toàn lượng thức ăn cơ thể mới nạp vào. Điều có có thể gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp công bố năm 2023 chỉ ra rằng, những người ăn tối muộn nhất, sau 9 giờ tối, có nguy cơ mắc đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua cao hơn 28% so với những người ăn trước 8 giờ tối.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, ăn tối muộn cũng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và làm tăng cảm giác đói, khiến mọi người dễ ăn dư thừa calo. Theo tạp chí JAMA Cardiology, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, rung tâm nhĩ và suy tim.
Các bệnh lý tim mạch có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong sớm nếu bệnh không được điều trị kịp thời.
3. Không ăn quá nhiều đồ ăn chứa dầu mỡ
Các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo chuyển hóa như hamburger, gà rán, khoai tây chiên,… là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, những thực phẩm này có thể gây thừa cân, béo phì, làm tăng huyết áp, tăng cholesterol, dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ.
Người dân Vùng Xanh không ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, họ thường ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chẳng hạn như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,… Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường giàu vitamin, chất xơ, khoáng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa, đặc biệt có lợi cho sức khỏe và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ.
4. Không ăn quá nhiều thịt chế biến sẵn
Những người sống thọ trên thế giới không tiêu thụ quá nhiều thịt chế biến sẵn chẳng hạn như thịt nguội, thịt xông khói và xúc xích.
Theo các chuyên gia y tế, các loại thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo, muối và các chất bảo quản khác, có thể gây ảnh hưởng tới mạch máu và huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đau tim, đột quỵ nếu ăn quá nhiều.
Ngoài ra, thịt chế biến sẵn cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách chất gây ung thư nhóm 1, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày,… Tất cả các bệnh lý này đều có thể gián tiếp “cắt giảm tuổi thọ của con người.
5. Không ăn quá nhiều đường
Người dân ở các Vùng Xanh không tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm chứa đường bổ sung.
Chuyên gia Dan Buettner, nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu về thói quen của những người ở Vùng Xanh trên thế giới cho biết: “Người dân ở Vùng Xanh chỉ tiêu thụ các món tráng miệng có đường vào những dịp đặc biệt. Đồ uống và đồ ăn vặt chứa đường bổ sung không nằm trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ”.
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Davis, làm việc tại Mỹ giải thích: “Người dân Vùng Xanh thường tránh sử dụng các loại nước ngọt, nước ép đóng chai, bánh quy, kẹo,… vì chúng chứa ít giá trị dinh dưỡng nhưng lại chứa nhiều đường bổ sung”.
Theo chuyên gia, đường bổ sung là một trong những tác nhân gây viêm nhiễm. Thói quen tiêu thụ đường bổ sung quá mức cũng được chứng minh có liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Cụ thể, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường có thể tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim, béo phì, tiểu đường loại 2, suy giảm nhận thức và một số bệnh lý về gan.