Gửi tiết kiệm 3 tỷ đồng, đến rút còn 3.000 đồng
Bà Tôn (Sơn Đông, Trung Quốc) gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng Hợp tác xã Nông nghiệp tại địa phương với mức lãi suất hứa hẹn. Trong lần gửi đầu tiên, bà Tôn đã gửi 500.000 NDT (1,5 tỷ đồng) và rất hài lòng với dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngân hàng. s.au đó 2 tháng, bà tiếp tục gửi 500.000 NDT, tổng cộng khoản gửi là 1 triệu NDT (3 tỷ đồng).
5 năm sau, bà Tôn chuẩn bị mở rộng phạm vi kinh doanh và đang cần vốn gấp nên quyết định rút toàn bộ số tiền gửi của mình ở ngân hàng. Thế nhưng phía ngân hàng lại thông báo sau khi kiểm tra tài khoản thì chỉ còn 1 NDT (khoảng 3.000 đồng). Người phụ nữ này nổi giận khi ngân hàng không để cho bà rút tiền trong khi có đủ giấy tờ chứng minh tiền gửi. Bà Tôn phải nhờ cảnh sát Trung Quốc vào cuộc điều tra, kết quả lại bị ngân hàng kiện ngược lại.
Ngân hàng cho rằng 2 cuốn sổ tiết kiệm của bà là giả bởi một số điểm khác biệt trong cách in ấn, không có sự đồng nhất ở thông tin cá nhân khách hàng. Bên cạnh đó, trên hệ thống ngân hàng không có thông tin bà Tôn đến gửi tiết kiệm, số tiền 1 NDT là tối thiểu để duy trì tài khoản hoạt động.
Thủ phạm bất ngờ lộ diện
Cảnh sát tiến hành điều tra, kết luận cả 2 cuốn sổ tiết kiệm của bà Tôn đều do phía ngân hàng cung cấp, sự khác biệt trong cách in ấn sổ cũng là do làm sổ tại 2 thời điểm khác nhau. Vì vậy không có bằng chứng chứng minh người phụ nữ này làm giả sản phẩm tài chính như cáo buộc từ ngân hàng. Điều tra sâu hơn, cảnh sát nhận thấy nhân viên làm sổ tiết kiệm cho bà Tôn năm đó đã nghỉ việc, chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác không lâu sau khi gặp bà.
Quá trình lấy lời khai, nữ nhân viên tên Điền này thừa nhận cố tình làm lỗi phần thông tin cá nhân của bà Tôn trong sổ tiết kiệm để cản trở bà trong việc rút tiền sau này. Cô Điền còn yêu cầu bà Tôn cung cấp thêm mật khẩu tài khoản tiết kiệm trong tờ khai để phía ngân hàng thực hiện “tăng tính bảo mật”. Việc này bà Tôn không hề nghi ngờ do tin tưởng nhân viên ngân hàng không để lọt thông tin cho bên thứ 3. Sự việc đã trôi qua 5 năm nên người phụ nữ này cũng hoàn toàn quên đi chi tiết này.
Có trong tay mật khẩu tài khoản tiết kiệm, cô Điền tiến hành tất toán sổ tiết kiệm online và thành công rút số tiền 800.000 NDT trong 2 đợt. Về 200.000 NDT còn lại, cô Điền không biết do ai lấy. Lo sợ bà Tôn phát hiện nên Điền đã tìm cách xóa thông tin gửi tiết kiệm cũng như thời gian tất toán trên hệ thống ngân hàng rồi nhanh chóng xin nghỉ việc.
Bà Tôn chỉ dùng tài khoản ngân hàng này để gửi tiết kiệm, không giao dịch hàng ngày nên bà cũng không bật thông báo hay theo dõi số tiền qua ứng dụng. Chính vì vậy chỉ đến khi tới ngân hàng, bà mới phát hiện tiền tiết kiệm đã bị lấy đi. Cuối cùng sau 7 năm theo đuổi vụ kiện, người phụ nữ này mới nhận lại được 1 triệu NDT và tiền bồi thường mà không thể nhận được số tiền lãi tiết kiệm.
Phía cảnh sát Trung Quốc cảnh báo khách hàng gửi tiết kiệm không nên để lộ thông tin tài khoản cho bất kỳ ai, dù nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp trực tiếp hay qua điện thoại để tránh bị chiếm đoạt tài sản như trường hợp của bà Tôn.
Kim Linh (Theo Toutiao)