Ông Nhậm là một doanh nhân đến từ Thượng Hải, Trung Quốc. Vào tháng 10/2021, ông đã chi ra một khoản tiền lên đến 16 triệu NDT (khoảng 55 tỷ đồng) để mua một gian hàng rộng đến 200m2 nằm ở tầng 1 của một chung cư cũ tọa lạc tại trung tâm thành phố. Ở thời điểm đó, người đàn ông này dự kiến sẽ mở một cửa hàng kinh doanh quần áo tại đây.
Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa kịp thực hiện thì rắc rối bất ngờ xuất hiện. Một nhóm người hàng xóm ở tầng trên yêu cầu được lắp đặt thang máy. Nguyên nhân là vì nhiều người già ở tầng trên không còn thuận tiện trong việc di chuyển bằng cầu thang bộ.
Theo kế hoạch, cabin thang máy sẽ được lắp đặt ngay lối vào cửa hàng của ông Nhậm. Người đàn ông này cho rằng việc lắp đặt trục thang máy ở khu vực lối vào, hệ thống ánh sáng và thông gió của cửa hàng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là biển hiệu của tiệm bị khuất tầm nhìn. Ông ước tính giá trị của bất động sản giảm mất 5-6 triệu NDT.
Trước yêu cầu của các hộ dân tầng trên, ông Nhậm kiên quyết phản đối việc lắp đặt thang máy trước khu vực cửa hàng. Ông đề xuất các hộ dân cần thay đổi vị trí lắp đặt. Nếu không những người này cần bù đắp khoản lỗ do giá trị bất động sản đã bị giảm.
Lời đề nghị này dường như đã châm ngòi cho những mâu thuẫn sau đó. Ông bị các hộ dân ở tầng trên cho là ích kỷ. Việc thi công sửa chữa cửa hàng vì thế cũng bị gián đoạn đến gần 2 tháng. Ông ước tính bị thiệt hại hơn 100.000 NDT (hơn 300 triệu đồng) bao gồm tiền nhân công, vật tư và các chi phí khác do phải dừng việc sửa chữa.
Thấy việc cải tạo không thể tiếp tục và ngày càng gây ra thiệt hại, đồng thời đối phương không làm theo các yêu cầu, ông Nhậm quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương.
Dưới góc độ pháp lý, Bộ luật Dân sự của Trung Quốc quy định rõ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình liền kề, nhấn mạnh chủ sở hữu bất động sản cần tuân thủ các nguyên tắc thuận lợi cho sản xuất, đời sống sinh hoạt và hỗ trợ lẫn nhau.
Điều này có nghĩa là dù ý định lắp đặt thang máy của các hộ dân tầng trên nhằm phục vụ những người cao tuổi. Song hành động này không thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Chính vì thế, tòa án cho rằng yêu cầu bồi thường của Nhậm cũng hoàn toàn hợp lý. Căn cứ về quy định thiệt hại trong Luật Tài sản, khi giá trị tài sản của bạn bị giảm sút do người khác xâm phạm thì người bị thiệt hại có quyền nhận được mức bồi thường tương ứng.
Tuy nhiên, do đây là mối quan hệ láng giềng, Tòa án đề nghị ông Nhậm không nên bỏ qua những khó khăn trong việc đi lại của những cư dân ở phía trên. Cả 2 bên cần tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi thông qua đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng hơn.
Tuy nhiên, cả 2 bên cho rằng sự việc không thể giải quyết bằng cách đối thoại, cần có sự can thiệp của pháp luật để xét xử công bằng.
Sau quá trình làm việc, tòa án ra phán quyết rằng các hộ dân tầng trên không được phép lắp đặt cabin thang máy ở lối vào cửa hàng của ông Nhậm. Nếu vẫn muốn lắp đặt, các hộ dân cần bồi thường các chi phí phát sinh. Đồng thời, những hộ dân này phải cho chủ cửa hàng tầng 1 khoản tiền 100.000 NDT do làm gián đoạn ảnh quá trình thi công gây ra những tổn thất.