Gặp biến chứng của uốn ván vì chủ quan khi xử lý vết thương
Trường hợp bệnh nhân P.K.T. (62 tuổi, ở Thanh Hóa) đã gặp biến chứng nặng sau khi tự điều trị vết thương ở cẳng chân tại nhà mà không đi viện.
Bệnh nhân cho hay bản thân bị thương trong khi làm đồng. Tuy nhiên, sau đó, ông T. đã tự xử lý vết thương tại nhà và tự đắp lá thuốc để cầm máu. Sau 2 ngày, vết thương ở chân của bắt đầu nhiễm trùng. Gia đình đưa ông T. vào cơ sở y tế gần nhà để thăm khám. Kết quả cho thấy ông T. bị nhiễm trùng huyết, phải nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, ông T. đã chủ quan không điều trị tại viện và lại về nhà tự chữa trị. Ngày hôm sau, ông T. cảm thấy cơ thể khó chịu, không thở được nên gia đình đã đưa ông đi cấp cứu. Khi nhập viện tại cơ sở y tế tuyến dưới, ông T. có biểu hiện khó há miệng, khó ăn, khó nuốt, miệng bắt đầu sùi bọt mép và lên cơn co giật. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván, nhiễm trùng huyết nặng. Bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng.
Ông T. được chuyển tuyến vào khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiên lượng nặng.
Bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng phải dùng thuốc an thần, thở máy, co cứng cơ toàn thân, co giật trên nền co cứng, vết thương cẳng chân phải chảy mủ, chảy dịch, chẩn đoán mắc uốn ván toàn thể – nhiễm khuẩn huyết – suy thận cấp, tiên lượng bệnh nặng”.
Cũng tương tự trường hợp ông T., bệnh nhân N.D.B., 66 tuổi, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La chuyển đến khoa Cấp Cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán: uốn ván nặng.
Trước khi vào viện, bệnh nhân bị dao đâm vào mu bàn chân phải. Bệnh nhân cũng tự sơ cứu tại nhà. Bệnh nhan nghĩ vết thương nhỏ, sẽ không sao, nhưng sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cứng hàm.
Bệnh nhân đã đến điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La nhưng do bệnh nặng nên ông B. được đặt ống nội khí quản và chuyển tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiêt đới trung ương.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiêt đới trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm uốn ván ở vết thương bàn chân phải, tăng huyết áp, suy tim. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang phải sử dụng thuốc an thần và thở máy qua nội khí quản.
Cách phòng ngừa uốn ván
Theo bác sĩ Lan Hương, nha bào uốn ván xâm nhập qua các vết thương ở da và niêm mạc thông qua các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách, thường gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu… Ngoài ra, có nhiều trường hợp dù miệng vết thương đã bịt kín, khâu kín nhưng bên trong vẫn còn tổ chức hoại tử, dập nát, còn dị vật cũng tạo điều kiện thuận lợi cho trực khuẩn uốn ván phát triển và gây bệnh.
Để phòng bệnh uốn ván, theo bác sĩ Hương, ngay sau khi bị thương, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn xử lý vết thương đúng cách. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván.
Nếu vết thương ở mức bình thường, người bệnh sẽ được chỉ định tiêm vắc xin phòng uốn ván. Trường hợp bệnh nhân đã tiêm vắc xin trong vòng 3 năm sẽ được tiêm vắc xin nhắc lại. Trường hợp người bệnh chưa từng tiêm vắc xin phòng uốn ván, hoặc tiêm vắc xin trên 3 năm sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh để có miễn dịch cơ bản, miễn dịch sẽ tồn tại khoảng 3 – 5 năm.
Sau khi tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng uốn ván, người dân vẫn nên tiêm nhắc lại mũi 4 sau 5 năm, mũi tiêm 4 sẽ có giá trị bảo vệ trên 10 năm và sau đó người dân có thể tiêm nhắc lại mỗi 10 năm để chủ động phòng bệnh.