Năm 2011, ông Lý (Hàng Châu, Trung Quốc) mua một căn nhà cũ thông qua môi giới bất động sản với giá 160.000 NDT (554 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay). Những năm sau đó, giá nhà tại khu vực ông Lý ở tăng lên chóng mặt. Đến năm 2021, giá thị trường một căn nhà có diện tích và vị trí tương tự nhà ông Lý đã lên đến 2 triệu NDT (gần 7 tỷ đồng).
Ông Lý và gia đình rất vui mừng, dự định có thể bán ngôi nhà này để chuyển đến nơi ở rộng rãi hơn. Tuy nhiên lại có một sự việc bất ngờ xảy ra khiến họ không thể làm được việc này. Đó là việc người chủ cũ của căn nhà, cô Ngô cũng biết về việc giá nhà tăng nên muốn ông Lý trả lại nhà. Ông Lý cảm thấy việc này quá vô lý, vì thời điểm ông mua nhà đã ký hợp đồng mua bán và làm mọi thủ tục cần thiết thông qua người môi giới họ Bạch, vậy nên cô Ngô đã không còn là chủ sở hữu căn nhà.
Người chủ cũ cho biết bố cô nợ ông Bạch nhiều tiền nên phải bán nhà để trả nợ. Gần đây, cô Ngô phát hiện ông Bạch đang bị khởi tố do lừa đảo, làm giả giấy tờ mua bán đất. Vì vậy cô đã đem hợp đồng, giấy tờ mua bán nhà với ông Lý đi kiểm tra, phát hiện chúng đều là giả.
Cô Ngô tin rằng giấy tờ phía ông Lý đang giữ, bao gồm cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm thông qua người môi giới Bạch cũng là giả. Thực tế, ông Bạch đã không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản, mà vẫn đang giữ các giấy tờ gốc của gia đình cô Ngô. Vậy nên người phụ nữ này càng có cơ sở để lấy lại ngôi nhà cũ, trong thời gian đợi ông Bạch bị điều tra.
Ông Lý không chấp nhận bị mất trắng căn nhà trong khi bản thân ông cũng là nạn nhân lừa đảo. Sau nhiều lần thương lượng không có kết quả, hai người chủ cũ, chủ mới cùng ra tòa để giành quyền sở hữu căn nhà. Toà án Trung Quốc xác định tài sản vẫn đứng tên cô Ngô nhiều năm nay, vì vậy gia đình ông Lý được yêu cầu chuyển khỏi căn nhà trong vòng 10 ngày.
Ông Lý vô cùng suy sụp khi tiền mất, nhà cũng không còn. Ông đã chủ quan, tin tưởng người môi giới được người quen giới thiệu, đồng thời vì mong muốn mua được nhà giá rẻ để an cư lập nghiệp nên đã nhanh chóng đồng ý ký hợp đồng mà không kiểm tra kỹ thông tin, giấy tờ cũng như làm việc trực tiếp với chủ cũ.
Người đàn ông này và gia đình quyết định kiện ông Bạch để được bồi thường. Kết quả, họ nhận được số tiền năm xưa bỏ ra để mua nhà và một khoản đền bù, cô Ngô cũng đồng ý hỗ trợ ông Lý, tuy vậy số tiền này là không đủ để có thể mua được một căn nhà mới.
Năm 2023, một vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ cũ, chủ mới bất động sản cũng xảy ra ở Sơn Đông (Trung Quốc). Cặp vợ chồng họ Tôn để mua lại căn hộ 3 phòng ngủ của người đàn ông họ Giang thông qua môi giới bất động sản nhưng khi chuyển đến lại phát hiện đã có người ở bên trong.
Người này cho biết chủ cũ nợ tiền không thể trả lại nên đã đồng ý cho ông ở nhà này 20 năm để bù đắp số nợ. Vợ chồng họ Tôn quyết định kiện người chủ cũ và người đang sống trong nhà mình ra tòa. Tòa chỉ ra rằng việc cho thuê miễn phí không thể coi là một tài sản cụ thể để thế chấp khi đi vay nên hợp đồng thuê của chủ cũ không đủ hiệu lực pháp lý và bị vô hiệu. Nhờ đó người thuê phải chuyển đi và vợ chồng họ Tôn được nhận lại nhà.