Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã học cách nói chuyện. Thế nhưng, những từ ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày này, chưa chắc chúng ta đã hiểu hết sức mạnh của nó hay sử dụng nó một cách đúng đắn.
Để truyền đạt ý nghĩa của một sự việc, có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Người khéo ăn nói sẽ chọn cách phù hợp nhất. Nhưng cũng có nhiều người thường nói chuyện tùy ý nói theo cảm tính của mình, khiến người khác khó chịu, cảm thấy phật lòng mà không hay biết.
Ernest Hemingway từng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng”.
Những người biết cách cân nhắc lời nói, biết điều gì nên nói và điều gì không, thường tạo thiện cảm và dễ được yêu mến hơn. Người EQ cao sẽ có 3 điều này trong cách nói chuyện.
1. Nói về ưu điểm, những điều tốt đẹp của người khác
Một người bạn của tôi mới sinh em bé và chia sẻ ảnh của con lên MXH. Mọi người đều để lại lời chúc mừng, nhưng có một bình luận lại nói: “Chúc mừng bạn nhé, đứa bé giống bạn, da không được trắng nhỉ”.
Trong khi những người khác đều khen ngợi rằng em bé có đôi mắt to, rất đáng yêu, thì dòng bình luận này trở nên nổi bật, gây khó chịu cho nhiều người. Câu này hoàn toàn có thể không cần nói ra.
Người bình luận về làn da của em bé thường ngày cũng hay nói chuyện theo cách như vậy. Có người khuyên cô ấy đừng nên nói như vậy nhưng cô ấy cho rằng mình thấy gì nói nấy, toàn nói sự thật.
Thế nhưng, cùng là một việc, người khác lại chọn không nói ra? Vì họ không muốn làm người khác cảm thấy khó chịu. Đó không phải vì sợ hãi mà vì xuất phát từ thiện ý.
Việc thấy gì nói nấy, không phân biệt điểm tốt hay xấu, không cân nhắc đấy là điều cần nói hay không cần thiết, không để tâm đến cảm xúc của người khác, đó không phải là thẳng thắn mà là sự thiếu tinh tế.
Dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu, nếu điều bạn sắp nói có thể khiến đối phương khó xử thì nên cân nhắc. Người EQ cao sẽ biết cách nói chuyện một cách tinh tế, không làm người khác khó chiu hay cảm thấy tổn thương.
2. Không chạm vào nỗi đau của người khác
Mỗi người đều có những điều không muốn nhắc đến. Dù là bạn bè hay đồng nghiệp, chúng ta nên học cách giữ thể diện và tôn trọng cảm xúc của người khác.
Trước đây, tôi có một đồng nghiệp mời cả phòng đi ăn vì nhận được sự giúp đỡ từ mọi người trong công việc.
Người đồng nghiệp này có hoàn cảnh gia đình bình thường, bố mẹ sức khỏe không tốt, vợ chồng anh có 2 người con.
Mọi người đều biết anh có áp lực kinh tế lớn, sau khi chọn địa điểm, một số đồng nghiệp đã đề nghị sẽ tự mang theo rượu để giảm chi phí. Người mời nói không cần, nhưng đến ngày ăn, vẫn có vài người mang rượu ngon đến.
Bữa ăn kết thúc, khi người đồng nghiệp đề nghị trả tiền rượu, những người mang rượu đến đều nói không cần.
Thế nhưng đột nhiên có một giọng nói vang lên: “Thật ra không cần phải làm vậy, tình hình tài chính của cậu bọn tôi đều biết, chi tiền cho bữa ăn này thôi cũng tốn kém rồi, không cần khách sáo đâu”.
Sau đó, không khí đang vui vẻ bỗng trở nên ngượng ngùng. Đặc biệt là người vừa trả tiền, anh chỉ cười gượng vài tiếng, nói vài câu rồi mọi người vội vàng ra về.
Còn người vừa nói khiến bầu không khí mất vui lại nói: “Chẳng phải tôi cũng đang nghĩ cho cậu ấy sao?”
Trong nhiều trường hợp, nếu thực sự muốn nghĩ cho người khác, hãy suy nghĩ chu toàn hơn, tránh chạm vào nỗi đau của họ. Có những chuyện ai cũng hiểu, nhưng không cần phải nói ra.
3. Thận trọng trong lời nói
Nói đúng lúc là trí tuệ, im lặng lúc cần cũng là trí tuệ. Hiểu lý nhưng không tranh cãi, biết người nhưng không phán xét, không chỉ là biểu hiện của sự tu dưỡng mà còn là lòng tốt.
Không chủ động chạm vào nỗi đau của người khác, cũng tránh phá vỡ niềm tin của họ. Quan trọng là nhiều lúc chúng ta không thể chắc chắn rằng những gì mình thấy đã là sự thật tuyệt đối.
Nếu những gì ta nhìn thấy chỉ là sự thật mà ta tự cho là đúng, việc phán xét tuỳ tiện chỉ càng gây tổn thương lớn hơn.
Thận trọng trong lời nói và hành động. Thận trọng trong lời nói không dễ, điều này đòi hỏi sự chín chắn và sự điềm tĩnh sau khi trải nghiệm đủ nhiều trong cuộc sống.
Khi đối mặt với một sự việc, chúng ta có thể có suy nghĩ và đưa ra kết luận của riêng mình.
Không tùy tiện đưa ra kết luận, không tùy tiện đánh giá một sự việc. Điều này không phải vì chúng ta hèn nhát hay giả tạo mà vì chúng ta hiểu rằng mỗi người cũng có những khó khăn của riêng mình.
Aboluowang