Chế độ ăn quá nhiều muối từ lâu đã được xem là “thủ phạm” chính gây ra tình trạng tăng huyết áp – bệnh cao huyết áp. Bởi lúc này natri trong muối sẽ gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể, làm tăng lượng nước trong máu và khiến huyết áp tăng cao.
Lượng muối ăn hợp lý mỗi ngày phụ thuộc vào từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Nhưng theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành nên hạn chế lượng muối tiêu thụ không quá 5g mỗi ngày, tương đương với khoảng một thìa cà phê muối và là 2g natri.
Ngoài muối, còn một số thực phẩm ít ai ngờ tới cũng có thể khiến huyết áp tăng vọt nếu tiêu thụ quá mức như:
1. Thực phẩm giàu chất béo
Các loại thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là đồ chiên rán, thịt mỡ và bơ… có thể làm tăng huyết áp nhanh chóng nếu ăn nhiều.
Khi ăn những thực phẩm này, chất béo sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn và xơ vữa động mạch. Khi mạch máu bị hẹp và cứng lại, tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu, từ đó khiến huyết áp tăng. Bên cạnh đó, chất béo bão hòa cũng dễ gây béo phì, là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh cao huyết áp.
2. Thực phẩm nhiều đường
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa đường như kẹo bánh, nước ngọt… có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này làm gia tăng tiết insulin và gây ra các tác động tiêu cực lên hệ thống mạch máu.
Lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương lớp nội mô của mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Không chỉ vậy, đường còn thúc đẩy quá trình hình thành mỡ thừa, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và béo phì. Trong khi đây đều là những yếu tố nguy cơ cao làm tăng huyết áp.
3. Thịt chế biến sẵn
Các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, giăm bông… là một trong những thực phẩm có nguy cơ làm tăng huyết áp nhanh nếu ăn thường xuyên, ăn nhiều.
Những thực phẩm này thường chứa lượng muối và chất phụ gia rất cao, cả hai đều có thể khiến huyết áp tăng nhanh chóng. Hơn nữa, thịt chế biến sẵn còn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, gây tắc nghẽn mạch máu, làm cho việc lưu thông máu gặp khó khăn và huyết áp do đó cũng tăng theo.
4. Đồ uống có chứa caffeine
Caffeine có trong cà phê, trà và nước ngọt cùng nhiều thực phẩm khác có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Nếu dùng quá mức một cách lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới huyết áp nói riêng và tim mạch nói chung. Các chuyên gia khuyến nghị rằng người lớn không nên uống hơn 400 mg caffeine mỗi ngày (tương đương khoảng 4 tách cà phê).
Bởi khi tiêu thụ caffeine, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách làm co mạch máu và kích thích nhịp tim nhanh hơn. Điều này làm cho huyết áp tăng vọt ngay lập tức. Đặc biệt, đối với những người đã bị huyết áp cao, việc uống quá nhiều đồ uống chứa caffeine có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và có những biến chứng nguy hiểm.
Nhắc nhở: Tăng huyết áp là một căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy tim… Nếu muốn phòng cũng như kiểm soát bệnh, ngoài chế độ ăn uống lành mạnh – hạn chế các thực phẩm kể trên thì còn cần tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi khoa học, giữ tâm trạng ổn định và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, ETtoday