Sự việc này đã diễn ra từ năm 2022. Song gần đây nó lại được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo đó, anh Khương (Giang Tô, Trung Quốc) là một người thích chơi cây cảnh. Để đam mê của mình kiếm ra tiền, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021-3/2022, anh đã nhập mua 220.000 gốc lan từ ông Phan nhằm kinh doanh. Anh dự kiến mua cây nhỏ được giá thấp sau đó về ươm lớn sẽ bán được giá cao hơn.
Có nhiều năm chăm sóc cây cảnh, anh tự tin vào khả năng của mình và hứa hẹn sẽ có một vụ lan bội thu. Tuy nhiên, điều không ngờ là đến khoảng tháng 4/2022, khi chưa kịp bán, toàn bộ số lan bị chết héo. Ngay lập tức, người này gọi cho chủ buôn để hỏi nguyên nhân. Ở đầu dây bên kia ông Phan cho biết giống cây không có vấn đề gì. Các chủ buôn nhập cây của vườn vẫn chăm sóc được bình thường và không có phản ánh gì. Chỉ duy nhất anh gặp tình huống này.
Người bán cây cho rằng có thể do anh Khương không có kỹ năng chăm sóc lan. Hoặc điều kiện tự nhiên tại khu vực anh ươm trồng không đáp ứng được điều kiện của loại cây này. Trước lý lẽ do người bán đưa ra, người đàn ông này phản bác và cho rằng không có chuyện đó. Đồng thời, anh yêu cầu ông Phan phải bồi thường toàn bộ số tiền đã mua 220.000 gốc lan.
Tất nhiên, ông Phan không đồng ý với đề nghị này. Ông cho rằng trong tình huống này anh Khương không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm lên người bán.
Sau gần 1 tháng thương lượng nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận. Anh Khương đã âm thầm đưa vụ việc ra tòa án địa phương và yêu cầu được bồi thường.
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, tòa địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ việc. Theo thẩm định của Trung tâm Thẩm Định tư pháp Cảnh sát Lâm nghiệp thuộc Cục Lâm nghiệp Trung Quốc,giống lan mà anh Khương mua là một loại cây thuộc chi Cymbidium. Loại cây này nằm trong danh sách các loài thực vật được bảo vệ cấp 2 của Trung Quốc. Theo quy định của nước này, việc mua bán trái phép các loại cây quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi tiếp nhận thông tin này, anh Khương vô cùng ngạc nhiên. Anh thừa nhận không hề biết loại cây này nằm trong danh mục thực vật quý hiếm cần được bảo vệ. Anh nhập về trồng và bán chỉ vì thấy thị trường có nhu cầu cao.
Ngoài lời khai của anh Khương, cảnh sát cũng tiến hành điều tra và phát hiện tại nhà ông Phan còn trồng rất nhiều giống cây quý hiếm nằm trong danh sách cần được bảo vệ.
Từ đây, thẩm phán giải thích hành vi khai thác mua bán các loại cây quý hiếm đe dọa nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng tự nhiên, tạo nguy cơ tuyệt chủng các loại cây quý. Chính vì thế, cả anh Khương và ông Phan đều phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Còn việc anh Khương mua cây của ông Phan nhưng bị chết héo ngay sau đó, Tòa án cho biết do giao dịch giữa 2 người không có hợp đồng bằng văn bản. Người bán và mua chỉ thỏa thuận miệng. Trong quá trình này, anh Khương cũng không yêu cầu chủ vườn phải đảm bảo sự tồn tại của các cây lan này. Nên người bán sẽ không phải chịu trách nhiệm trong tình huống này.
Thông qua vụ việc này, thẩm phán nhấn mạnh dù yêu thích cây cảnh, mọi người cần tìm hiểu kỹ về chúng và nắm được các quy định pháp luật liên quan. Vụ việc của anh Khương không chỉ là câu chuyện của cá nhân người đàn ông này mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loại cây rừng quý hiếm. Việc khai thác, mua bán trái phép các loại cây quý hiếm đã và đang dẫn đến nguy cơ phá vỡ đa dạng sinh học, gây hậu quả khó lường đối với môi trường sinh thái cũng như môi trường sống của con người, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của con người.
(Theo Toutiao)