Tờ Khmer Times dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF), tính đến giữa tháng 12,
xuất khẩu gạo của Prey Veng sang Việt Nam đạt 2,94 triệu tấn, trị giá hơn 836,67 triệu USD.
Cũng trên tờ này, ông Ouk Samnang, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Prey Veng phát biểu với giới truyền thông rằng điều kiện tỉnh này thuận lợi cho nông nghiệp bao gồm lúa và các loại cây trồng khác. “Từ ngày 1/1 đến ngày 14/12, lượng gạo xuất khẩu sang Việt Nam đạt 2.941.420 tấn với tổng doanh thu là 836.673.831 USD”.
Giám đốc cho biết ở hầu hết các địa phương trong Prey Veng, nông dân có thể trồng lúa từ hai đến ba vụ mỗi năm, đạt năng suất tương đối cao.
Samnang lưu ý rằng gạo chủ yếu được xuất khẩu sang Việt Nam qua hai cửa khẩu chính: Cửa khẩu quốc tế Banteay Chakrei ở huyện Preah Sdach (đối diện với Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà – huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) và Cửa khẩu quốc tế Koh Roka ở huyện Peam Chor, tỉnh Prey Veng (đối diện với Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước – huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Ông tiếp tục thông tin về sản lượng cây trồng công nghiệp và cây ăn quả trong mùa khô của tỉnh này, bao gồm bắp, dưa hấu và các loại ớt, đạt tổng diện tích 862 ha, tương đương 109,1% so với kế hoạch 790 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản tỉnh Prey Veng cho biết, từ ngày 1/1 đến ngày 14/12, tổng lượng xoài tươi xuất khẩu sang Việt Nam đạt 133.760 tấn với giá bình quân 714 riel/kg, kim ngạch xuất khẩu đạt 21.360.122 USD.
Tỉnh Prey Veng là một tỉnh của Campuchia, tỉnh lỵ là TP Prey Veng. Tỉnh nằm ở tả ngạn (bờ bắc) sông Tiền, giáp với Kampong Cham ở phía tây bắc, Tbong Khmum ở phía đông bắc, Kandal ở phía tây, Svay Rieng ở phía đông và Việt Nam (Tây Ninh) ở phía đông bắc và (Đồng Tháp) ở phía nam, vùng đất này còn được gọi là Nam Ninh trong lịch sử Việt Nam thời kỳ nhà Nguyễn.
Prey Veng có tổng diện tích khoảng 4.883 km2, chiếm 2,70% tổng diện tích Campuchia (181.035 km2).
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt con số cao kỷ lục là 9 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu năm 2025 sẽ sụt giảm đáng kể.
Theo USDA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt con số kỷ lục về sản lượng 9 triệu tấn, tăng thêm 100.000 tấn so với dự báo trước đó. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh nhờ các khách hàng truyền thống có nhu cầu cao. Cụ thể, Philippines dự kiến trong tháng 12 tăng nhập thêm 300.000 tấn, đạt tới 5,3 triệu tấn. Tương tự, Indonesia cũng tăng thêm 300.000 tấn và đạt con số 4,1 triệu tấn.
Còn trong báo cáo cập nhật về thị trường gạo thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 Việt Nam sẽ nhập khẩu gạo đến 3,2 triệu tấn.
Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng nhờ nguồn cung từ nước láng giềng Campuchia dồi dào.
Theo USDA, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu gạo từ năm 2020 nhưng đến năm 2021 con số đã vượt 2 triệu tấn. Ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ.
Từ năm 2022 trở đi, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mua gạo từ Campuchia do nông dân nước này chuyển sang sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao của Việt Nam.
Điều này giúp nông dân Campuchia có thu nhập tốt hơn và cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại gạo. Dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu khoảng 3,1 triệu tấn gạo, chủ yếu cũng từ Campuchia.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy 9 tháng đầu 2024, Việt Nam đã chi 996 triệu USD nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với năm trước, vượt mức 860 triệu USD của cả năm 2023.