Gần đây, trên MXH có bài đăng của một bài mẹ nhận được khá nhiều sự chú ý. Bà mẹ trăn trở: “Tại sao con tôi từ lớp 4 trở đi không còn muốn chia sẻ, tâm sự với bố mẹ nữa?”.
Nỗi băn khoăn của người mẹ này chắc hẳn là vấn đề mà rất nhiều phụ huynh đang gặp phải.
Khi trẻ bước vào lớp 4, lớp 5, mong muốn chủ động giao tiếp với cha mẹ của chúng ngày càng ít đi rõ rệt. Nếu bạn không hỏi, chúng sẽ không nói.
Ngay cả khi bạn chủ động hỏi: “Hôm nay ở trường thế nào?”, trẻ có thể chỉ đáp lại một cách lạnh nhạt: “Cũng được” hoặc vài ba câu ngắn gọn rồi không nói thêm gì nữa.
Rõ ràng cha mẹ là những người thân thiết nhất, vậy tại sao trẻ lại không có hứng thú trò chuyện?
Hãy thử nhớ lại, trong cuộc sống, bạn đã từng nói với con như thế này chưa:
– “Sao con lại xem tivi nữa rồi?”
– “Con ăn cơm không đây?”
– “Bài tập làm xong chưa? Cả ngày chỉ biết chơi!”
Nếu bạn cũng từng nói như vậy với con, hãy thử nghĩ kỹ xem, liệu trẻ có còn mong muốn giao tiếp thêm với bạn không?
Nhiều khi, người lớn nói đi nói lại nhưng trẻ vẫn không nghe, thực ra không phải lỗi của trẻ mà là cách nói chuyện của cha mẹ chưa hợp lý. Hãy đặt mình vào vị trí của con, nếu có người nói với bạn bằng giọng điệu trách móc, ra lệnh hoặc càm ràm, liệu bạn có muốn lắng nghe không?
Nói chuyện với con: Hãy tránh xa những “cái bẫy” này
Trên mạng từng có một chủ đề: “Cha mẹ có đến 100 cách để khiến cuộc trò chuyện trở nên tẻ nhạt” và phần bình luận nhận được rất nhiều sự đồng cảm.
Khi trẻ lớn lên từng ngày, chúng ngày càng ít muốn trò chuyện với cha mẹ. Đặc biệt khi bước vào tuổi dậy thì, chỉ cần cha mẹ và con “không cùng tần số”, trẻ sẽ chẳng buồn nói thêm.
Nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng đó là vì trẻ đã lớn, không còn nghe lời cha mẹ nữa. Thực tế, ngược lại, trẻ rất khao khát được trò chuyện với cha mẹ, nhưng đôi khi cách nói chuyện của cha mẹ lại quá tổn thương, khiến trẻ cảm thấy tuyệt vọng và dần dần từ chối giao tiếp.
Dưới đây là một số cách nói chuyện khiến trẻ không thích, bạn nên tránh nếu muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với con:
1. Giảng giải đạo lý và giáo điều
Nhiều phụ huynh thường mắc sai lầm này khi trò chuyện với con cái. Đôi khi chỉ bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản, nhưng họ lại nhanh chóng biến nó thành một bài “giảng đạo” kéo dài.
Tuy nhiên, trẻ thường không thích nghe những lời giảng giải dài dòng, đặc biệt là khi chúng cảm thấy không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Điều này không chỉ khiến trẻ khó tiếp thu mà còn làm chúng nảy sinh tâm lý phản kháng.
Hãy nhớ rằng trẻ em thường nhìn thế giới theo cách của riêng mình. Thay vì ép buộc chúng chấp nhận quan điểm của người lớn, hãy cố gắng lắng nghe và tôn trọng cách nhìn nhận vấn đề của con.
2. Bỏ qua cảm xúc của con
Một số phụ huynh, dù vô tình hay cố ý, thường không chú ý đến cảm xúc của con cái. Họ thường dùng những câu như: “Chuyện nhỏ mà, sao con phải buồn?”, “Chỉ có vậy thôi mà cũng giận sao?”…
Những câu nói này khiến trẻ cảm thấy mình bị coi nhẹ hoặc không được hiểu. Nếu bị lặp đi lặp lại, chúng sẽ dần trở nên khép kín và ngại chia sẻ với cha mẹ.
Thay vào đó, hãy cố gắng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của con. Khi con buồn, thay vì phủ nhận cảm xúc của chúng, hãy nói: “Mẹ hiểu con đang buồn. Con có muốn chia sẻ với mẹ không?”.
Được công nhận và lắng nghe là cách tốt nhất để xây dựng niềm tin và sự gắn kết trong mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Cha mẹ nên thường xuyên nói 4 câu này với con
Để trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ từ gia đình, hãy tập trung vào 4 câu nói sau đây:
1. “Bố/mẹ yêu con, dù con thế nào đi nữa”
Câu nói này thể hiện tình yêu vô điều kiện, giúp trẻ xây dựng cảm giác an toàn vững chắc trong tâm hồn.
2. “Con đã rất cố gắng, điều đó rất tuyệt vời!”
Hãy chú ý khen ngợi nỗ lực thay vì chỉ quan tâm đến kết quả. Điều này giúp trẻ nhận ra giá trị của sự cố gắng.
3. “Ý tưởng của con rất thú vị, con có thể chia sẻ thêm không?”
Lắng nghe ý kiến của trẻ giúp chúng cảm thấy được tôn trọng và kích thích khả năng tư duy.
4. “Bố/mẹ tin rằng con có thể làm được”
Sự khích lệ của cha mẹ là nguồn động lực to lớn để trẻ đối mặt với thử thách.
Nuôi dạy con là một hành trình tự hoàn thiện bản thân của cha mẹ. Hãy kiên nhẫn và dành tình yêu thương chân thành để con trẻ có thể phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn tâm hồn.