Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 2.501 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, kim ngạch đạt 20 triệu USD. Trong số hai loại gia vị này, nhục đậu khấu là loại từng được ví là “quý như vàng”.
Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ quần đảo Banda (Indonesia). Nhục đậu khấu từng là loại gia vị “quý như vàng”, được săn lùng vào thời cổ đại. Ở châu Âu, từ lâu nhục đậu khấu đã được sử dụng làm gia vị trong các món ăn chế biến từ thịt.
Tác dụng của nhục đậu khấu
Bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 cho hay trong y học cổ truyền, nhục đậu khấu có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ôn, hơi độc, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Đại trường.
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, nhục đậu khấu có tác dụng ôn Tỳ, sáp Tràng, chỉ nôn, chỉ tả lỵ, tiêu thực, chữa lạnh bụng, đau bụng, đầy chướng bụng, tác dụng kích thích tiêu hóa, dùng làm thuốc trong các trường hợp kén ăn, sốt rét.
Khi xoa bóp ngoài da, nhục đậu khấu có tác dụng chữa tê thấp, đau người.
Theo bác sĩ Huy Cận, uống bột hạt nhục đậu khấu 0,25g – 0,5g pha với nước ấm mỗi ngày giúp não bộ khỏe hơn. Tinh dầu nhục đậu khấu còn biết tới có khả năng giảm đau. Cách dùng như sau: Lấy 4-5 giọt tinh dầu nhục đậu khấu chất lượng tốt rồi trộn với 2 muỗng canh dầu vừng hoặc dầu dừa ép lạnh; nhẹ nhàng xoa bóp hỗn hợp này trên vùng bị đau hằng ngày; thực hiện trong vài ngày đến 1 tuần sẽ có kết quả tốt.
Người có vấn đề mất ngủ có thể dùng 0,25g – 0,5g bột hạt nhục đậu khấu pha vào một ly sữa ấm. Hoặc mọi người có thể pha với nước, trộn với một thìa mật ong nguyên chất sẽ giúp cải thiện giấc ngủ.
Theo bác sĩ Huy Cận, một cách khác là dùng bột nhục đậu khấu lượng 0,25g – 0,5g ninh với cháo, ăn trong ngày. Cháo nhục đậu khấu có mùi thơm đặc trưng và vị ngon hấp dẫn, có tác dụng tăng ham muốn tình dục. Bột nhục đậu khấu được ví như Viagra tự nhiên.
Bài thuốc từ nhục đậu khấu
Dưới đây, bác sĩ Huy Cận chia sẻ một số bài thuốc có sử dụng nhục đậu khấu:
– Chữa bệnh kém ăn, ăn uống không tiêu: Nhục đậu khấu 0,5g; Nhục quế 0,5g; Đinh hương 0,2g. Tất cả tán thành bột, trộn với đường sữa 1g. Chia làm 3 gói, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 gói.
– Thuốc giúp hỗ trợ điều trị nôn mửa, đau bụng: Quế tán thành bột 100g, Nhục đậu khấu tán thành bột 80g, Đinh hương tán bột 40g, Sa nhân 30g tán bột, canxi cacbonat bột 250g, đường 500g tán nhỏ. Tất cả trộn đều. Ngày dùng 0,5g đến 4g bột này.
– Bài thuốc chữa bụng đau, ruột kêu: Sử dụng 1g nhục đậu khấu đã bỏ vỏ, nghiền nhỏ rồi trộn với 2g miến trắng cùng với nước gừng tươi làm thành bánh gói bột nhục quả, sau đó mang đi tán nhỏ. Dùng thuốc 2 lần mỗi ngày khi bụng đói, sử dụng 3g với nước cơm.
– Điều trị rong kinh, đau bụng kinh, đau lưng: Sử dụng một lượng bằng nhau bột nhục đậu khấu, ngọn cây gai mèo, bạch đậu khấu, đinh hương, long não, bạch hoa xà để tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần sử dụng 0.75g – 1.5g bột uống kèm với mật ong.
Một số lưu ý khi dùng nhục đậu khấu
Theo bác sĩ Huy Cận, sử dụng nhục đậu khấu liều cao có thể gây ra ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc là kích thích, sau đó có hiện tượng mệt mỏi và ngủ gà. Một người cũng có thể bị chóng mặt, mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói, thần trí không rõ ràng nếu sử dụng nhiều hơn 7.5g mỗi ngày.
Ngoài ra, người dân cần lưu ý không bôi trực tiếp dầu nhục đậu khấu lên da, không bôi lên vết thương hở hoặc vết cắt, khi dùng thì cần trộn dầu nhục đậu khấu với một loại dầu vận chuyển khác.
Bác sĩ khuyến cáo không dùng nhục đậu khấu cho những người nhiệt tả, nhiệt lỵ và bệnh mới phát.
“Tuy nhục đậu khấu là một loại dược liệu được dùng nhiều trong các bài thuốc nhưng nó cũng có chứa độc tính. Vì vậy trước khi sử dụng nhục đậu khấu người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc về liều lượng cũng như cách sử dụng nhục đậu khấu hiệu quả”, bác sĩ Huy Cận nói.