Chính phủ Philippines cho biết, các công ty bán dẫn của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Philippines, mở ra cơ hội phát triển hơn nữa ngành công nghiệp trị giá 45 tỷ USD của quốc gia này.
Tờ Inquirer dẫn thông báo của Văn phòng Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về Đầu tư và Kinh tế (OSAPIEA) cho biết, Tổng thống Philippines Marcos và các bên liên quan chính trong ngành bán dẫn Hoa Kỳ, bao gồm chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn John Neuffer, mới đây đã họp để thảo luận về vấn đề này.
Thông báo cũng cho biết thêm rằng các biện pháp tiếp theo sẽ được thực hiện để thúc đẩy triển vọng kinh doanh tiềm năng mà hai bên đã thảo luận. Tờ báo hàng đầu đảo quốc nhấn mạnh nhóm nhà đầu tư đã có cuộc họp riêng với các quan chức kinh tế cấp cao của Philippines.
“Chính phủ của chúng tôi đã xác định ngành công nghiệp bán dẫn là ngành ưu tiên đầu tư. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của ngành này trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và tạo việc làm”, Bộ trưởng Frederick Go, người đứng đầu OSAPIEA, cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói thêm: “Chuyến thăm này phù hợp với nỗ lực của chúng tôi nhằm đưa đất nước trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực và trên toàn cầu”.
Chính phủ Philippines và ngành công nghiệp bán dẫn đã đặt ra ba ưu tiên chính: mở rộng lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; xây dựng năng lực thiết kế mạch tích hợp và giáo dục định hướng cũng như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai.
Theo Quỹ Công nghiệp Bán dẫn và Điện tử Philippines, ngành bán dẫn địa phương là động lực chính cho nền kinh tế Philippines, với kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2023, ngành này đã xuất khẩu 45,6 tỷ USD hàng hóa và sử dụng ba triệu lao động.
OSAPIEA cho biết: “Những con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành này không chỉ về mặt doanh thu mà còn trong việc cung cấp cơ hội việc làm cho người Philippines”.
Bán dẫn là ngành mang tính xu hướng, được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là ngành trọng điểm. Khu vực Châu Á, và Đông Nam Á, nổi lên như điểm hút vốn đầu tư rất mạnh. Thái Lan, Malaysia, Việt Nam xác định đây là ngành cần thu hút đầu tư.
Trong đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, quy mô của ngành bán dẫn tại Việt Nam ước đạt 20-30 tỷ USD.
Ghi nhận dữ liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có gần 5.600 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Mỗi năm cả nước cần 10.000 kỹ sư bán dẫn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực trong nước chỉ mới đảm bảo được 50% mục tiêu nhân sự mỗi năm đề ra.
Theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2024 – 2030): tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.
Giai đoạn 2 (2030 – 2040): trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn 3 (2040 – 2050): trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Đến giai đoạn 3, hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Khi đó, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm , giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%.