Làng Nủ mới, chiều ngày 21/12/2024. Chào đón thầy giáo Nguyễn Xuân Khang là tiếng cười đùa trong veo của những đứa trẻ ở cổng làng. Đến Làng Nủ mới bây giờ, nếu chưa từng biết chuyện, không ai có thể hình dung nổi vùng đất này từng chịu nỗi tang thương quá lớn bởi vụ sạt lở đất vào tháng 9/2024. Con suối nhỏ ôm lấy ngôi làng vững chãi, khắp cánh đồng xuất hiện lứa hoa màu mới.
Kể từ năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang chưa từng đi xa. Thế nhưng, những ngày cuối năm, người thầy 75 tuổi đã quyết thực hiện hành trình hàng trăm km đến nơi mà giờ đây ông coi là quê hương thứ hai của mình. Theo lời thầy Khang, mục đích của chuyến đi này là để “ông cháu tôi nhận nhau và ký một bản cam kết đặc biệt“.
Nhiều người Làng Nủ lập tức nhận ra “ông nội Khang” khi đoàn vừa dừng xe. Đứa trẻ đầu tiên ra đón ông là Nguyễn Văn Hành, cậu học trò lớp 12 mà thầy Khang đã nhiều lần gọi điện, động viên, và chu cấp để cháu tiếp tục đi học sau. Về phía mình, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng ngay lập tức nhận ra, nhớ rõ tên của từng người: “Đây là Hành, kia là mẹ của Khánh Ngân – một trong hai đứa cháu nhỏ nhất mà tôi nhận nuôi”.
Trở lại thời điểm cách đây hơn 3 tháng, ngay sau khi cơn bão số 3 Yagi vừa đi qua, sạt lở và lũ quét cướp đi sinh mạng của 57 người tại Làng Nủ đã khiến cả nước xót xa. Thầy Khang cầm trên tay danh sách những học sinh được bôi vàng và bôi đỏ, trong đêm khuya. Dòng bôi vàng là những cháu còn sống sót, chỉ khoảng 1/3. Người đàn ông 75 tuổi khóc. Cũng từ đây, ông nảy sinh ý định sẽ nuôi các cháu còn sống sót sau thảm họa. Tiếp tục dò hỏi thông tin, thầy Khang biết được hoàn cảnh của bé Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) mất cả bố lẫn mẹ, mất cả 2 người anh trong gia đình. Người thầy 75 tuổi bộc bạch: “Đây là cô bé làm ông khóc nhiều nhất”. Hình ảnh đứa bé mới 6 tuổi ở trong bệnh viện càng thôi thúc thầy Khang “phải làm gì đó” để dịu bớt nỗi đau của tất cả trẻ em sống sót sau trận lũ ở Làng Nủ.
Với cương vị là một nhà giáo, thầy Nguyễn Xuân Khang chỉ đơn giản là mong mỏi trẻ con tiếp tục được đi học. Quyết là làm. Sau nhiều ngày bằng mọi kênh liên lạc, thầy Nguyễn Xuân Khang đã có được danh sách và thông tin đầy đủ về 22 đứa trẻ ở Làng Nủ còn sống sót mà thầy có thể nhận nuôi các cháu cho đến khi tất cả hết 18 tuổi, bằng cách mỗi tháng chu cấp mỗi cháu 3 triệu đồng tiền ăn học.
Chị Nguyễn Thị Kim, mẹ của bé Khánh Ngân, vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc hay tin có một người thầy sẽ nhận nuôi con mình.
“Ngày biết tin thầy Khang nhận nuôi con là khi cả hai mẹ con tôi cùng nằm tại bệnh viện Việt Đức. Chồng tôi nói có một thầy giáo già ở Hà Nội nhận nuôi các cháu Làng Nủ. Tôi còn không tin vì số lượng trẻ khá đông mà nuôi với thời gian dài như vậy, sao nuôi nổi? Nhưng rồi, một hôm có hai anh chị đến thăm và nói chuyện, sau đó có gửi quà cho hai mẹ con và kể là từ bên trường của thầy Khang sang. Tôi mới tò mò vào mạng xem thì đúng là có thông tin như vậy. Chứ trước đó nửa tin nửa ngờ vì tôi cứ nghĩ là do chồng mình nghe nhầm.
Sau ngày đó Khánh Ngân tinh thần khá hoảng loạn, một phần bị ám ảnh do bị lũ cuốn trôi, một phần do bị khâu và thay băng vết thương nhiễm trùng quá đau nên cháu rất sợ tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, sau khi nghe kể là sẽ có thêm một ông nội, cháu rất vui”.
Không chỉ Khánh Ngân, mà 21 đứa trẻ khác tại Làng Nủ cũng có chung niềm vui này. Gia Bảo và Xuân Phúc là hai anh em, bố mẹ không còn, các em ở cùng ông bà. Trong buổi gặp mặt lần này, Gia Bảo ngồi trong lòng thầy Khang, vui vẻ nhận “ông nội”. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những đứa trẻ khiến những người chứng kiến vừa mừng lại vừa thương…
Trong chuyến đi đặc biệt này, thầy Khang không chỉ đến gặp, thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của 22 đứa cháu không cùng huyết thống, mà còn mang theo một tờ giấy có tên “Lời Hẹn Ước”. Cụ thể, thầy Khang đã tự soạn và in ra một lời hẹn, là ước mơ của ông, mang lên Làng Nủ, đọc cho các cháu và mọi người cùng nghe. Nếu người đỡ đầu và các cháu đồng ý với “Lời Hẹn Ước” này thì tất cả sẽ thực hiện. Có những điều thực hiện trong từng năm, nhưng có những điều phải thực hiện sau rất nhiều năm, phải phấn đấu, rất cố gắng thì mới được. Thậm chí, có những điều rất khó – với chính thầy Khang.
Ông nội Khang đọc lớn:
“Lời hẹn ước của 23 ông cháu. Hôm nay 22/12/2024 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Một, hàng năm đến ngày 22/12, ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Như vậy là mỗi năm ít nhất chụp ảnh một lần vào cái ngày 22/12. Cái ngày này dễ nhớ vì nó là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các con gửi ảnh để ông biết cái thằng Bảo này này, Thảo Ngọc này nó sức khỏe nó ra sao rồi? Những đứa yếu nhất, bị thương tích nặng nhất, đứa bé nhất lớn lên như thế nào? Rồi các anh chị khác thì học tập ra sao?
Hai, đây là lời hẹn ước thứ hai. Đến ngày 22/12/2039, tức là 15 năm sau, khi ông nội 90 tuổi, hai cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội tại nhà ông để chụp chung bức ảnh thứ hai…”
23 ông cháu đã cùng ký vào tờ “Lời Hẹn Ước”. Những bé chưa viết chữ được thì cùng bố mẹ “điểm chỉ”.
Chị Nguyễn Thị Hồng bày tỏ lòng biết ơn đối với “ông nội” khi con gái 16 tuổi của chị, cháu Hoàng Thị Hiểm, được thầy Khang nhận nuôi. Đồng thời, chị mang theo con trai nhỏ nhất của mình, cháu Hoàng Văn Huyên, 14 tuổi, cậu bé mắc một căn bệnh từ khi sinh ra và chưa bao giờ được đến trường. Do đó, em không nằm trong số những học sinh được các trường giới thiệu với thầy Khang trong danh sách 22 cháu mà thầy nhận nuôi. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, thầy Nguyễn Xuân Khang đã liên lạc lại với chị Hồng để đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng hàng tháng điều trị bệnh cho cháu Huyên. Huyên cũng sẽ bắt đầu nhận sự hỗ trợ từ tháng 10/2024 như các trẻ khác, và sẽ nhận truy trong tháng 12 này.
Cả đời trong nghề giáo, điều mà thầy Nguyễn Xuân Khang trăn trở hơn cả chuyện cơm áo gạo tiền là phẩm chất đạo đức và tương lại của những đứa trẻ. Thầy khẳng định để một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành thì phải có học hành. Tôi muốn không chỉ hỗ trợ các cháu có tiền để ăn mặc, trả tiền học mà quan tâm chúng học như thế nào, phẩm chất đạo đức ra sao”. Thầy lo liệu các con có học đến hết bậc phổ thông không hay là đến lớp 8, lớp 9, con gái nghỉ học, đi lấy chồng sinh con đẻ cái, rồi lại bán mặt cho đất bán lưng cho trời?
Chính vì thế cho nên song song với việc gửi tiền trợ cấp, ngay từ cuối tháng 9/2024 đến nay thầy Khang đã phối hợp với người đỡ đầu và các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm của các cháu. Thầy cũng đã ngỏ ý nhờ anh Hoàng Văn Thới làm cha đỡ đầu cho những đứa trẻ, nhưng anh không nhận. “Cứ nhìn thấy trẻ con là không kìm được nước mắt” – anh Thới nói.
Với những cháu lớn, chuyến đi này, thầy Khang động viên gia đình tạo điều kiện cho các con học hết phổ thông, và thầy dặn bản thân các con cũng phải phấn đấu.
Nguyễn Văn Hành là đứa cháu lớn nhất của “ông nội” Khang. Theo cô Bàn Thị Hạt, giáo viên bộ môn, người mà Hành gọi là “mẹ” xưng “con”, Hành đã có rất nhiều sự thay đổi sau khi xảy ra biến cố, nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.
“Em không còn những thói quen nghịch ngợm, ngủ trong lớp hay mải chơi như trước đây. Hiện tại, em có suy nghĩ chín chắn và tập trung vào việc học hơn”, cô Hạt cho biết.
Dù vậy, cô giáo Hạt cũng còn nhiều trăn trở: “Đầu tiên, em ấy bị ảnh hưởng bởi những cái tác động ở bên ngoài. Trong khi đó, Hành không có người đứng ra để dìu dắt, dễ sa đà vào những thứ chưa phù hợp. Ví dụ, có những hôm Hành phát livestream trực tiếp để bán hàng đến tận 11 – 12 giờ đêm. Em nói rằng làm để vì tiền. Thứ hai, Hành thường xuyên đi Hà Nội, TP.HCM, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học...”
Chỉ còn vài tháng nữa, cậu thiếu niên Nguyễn Văn Hành sẽ chính thức tròn 18 tuổi. Trước mắt em là những chông gai đang chờ đợi, đó là lựa chọn nghề phù hợp với bản thân, đồng thời chọn con đường đi đúng đắn. Bản thân Hành cũng bày tỏ: “Em sợ trở thành người xấu, vì bản thân em vẫn chưa có đủ chín chắn, mà xã hội có quá nhiều cạm bẫy. Trước mắt, em thấy mình không phù hợp với nghề livestream, vì em không tự tin. Có lẽ, em sẽ tìm một nghề, theo học để lo cho cuộc sống sau này”.
Tuy chỉ được thầy Khang “nuôi” trong vài tháng, nhưng Hành không quên lời hứa 15 năm sau gặp lại nhau của ông nội. Em chắc chắn mình sẽ quay trở lại để hội ngộ, cùng với hơn 20 đứa trẻ khác. Trong lời hẹn đó, thầy Khang còn nhắc vui: “15 năm nữa, Gia Bảo 23 tuổi phải dẫn người yêu đến thăm ông nội, còn Hành lúc ấy chắc có 2-3 đứa con, Phúc cũng có 1 đứa rồi…“
Ở tuổi 75, thầy Khang bắt đầu một hành trình dài trước mắt. Đây là lời hẹn mà chính bản thân ông cũng không dám chắc vì “không biết lúc đó thầy còn sống không”. Trước lời hẹn ước, thầy Khang nghĩ rằng mình sống thêm được dăm, mười năm là tốt lắm rồi. Nhưng từ khi có thêm 22 cháu ở Làng Nủ, ông lại mong mình sống được lâu hơn, không chỉ là để chụp bức ảnh năm 2039, mà quan trọng hơn, là được tận mắt nhìn các cháu trưởng thành.
Để làm được điều đó, bản thân thầy Nguyễn Xuân Khang có ý thức hơn để giữ gìn sức khỏe. Thầy thú nhận: “Tôi phải tự nhủ, ăn nhiều hơn một chút, ngủ nhiều hơn một chút, làm việc ít hơn một chút. Trước nay tôi ăn ít, ngủ ít, làm việc nhiều thì bây giờ lại điều chỉnh lại để sống lâu hơn chút. Cố gắng để có mặt trong bức ảnh thứ hai đối với ông không dễ đâu. 15 năm nữa đối với Gia Hân, Khánh Ngân là chuyện cực kỳ đơn giản. 18 là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Mà ông 90 tuổi cũng là tuổi đẹp nhất của cuộc đời, nhưng đó là cuộc đời vào lúc hoàng hôn.“
Để chuẩn bị cho năm 2039, không chỉ thầy Khang, những em nhỏ và bố mẹ các em cũng cần phải nỗ lực rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Kim chia sẻ: “Chồng tôi là giáo viên và chính bản thân tôi cũng từng là một sinh viên sư phạm, đã đi giảng dạy một thời gian. Từ nhỏ, tôi chỉ mong ước được ra khỏi bản, ra khỏi lũy tre làng khám phá nhiều vùng miền khác nhau. Đến bây giờ khi đã làm mẹ, tôi vẫn mong muốn con mình sẽ học đại học, nếu con tiếp bước theo nghề giáo giống ba thì là một cái cơ duyên, nếu con không theo nghề giáo mà theo nghề khác, tôi vẫn rất đồng tình. Nhưng chắc chắn tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cháu đi học. Tôi cũng rất mong thầy giữ gìn sức khỏe, đồng hành để từng ngày nhìn thấy sự trưởng thành của các cháu.”
Mẹ của bé Mông Hoàng Thảo Ngọc, chị Hoàng Thị Dip, cũng nhắc nhở con gái rằng: “Các bác sĩ đã cứu chữa cho con được sống và khỏe mạnh như ngày hôm nay. Con may mắn nhất đã được cứu sống, vì vậy con phải học hành thật giỏi để mai này lớn lên làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người”. Chị dạy con phải học hành thật chăm chỉ mai này lớn lên làm việc việc tốt lương thiện giúp ích cho xã hội và không phụ lòng công nuôi dưỡng chăm lo của ông nội.
Đó cũng là điều mà Thảo Ngọc chia sẻ với người viết. Em còn nhớ các bác sĩ hẹn rằng, muốn làm thầy thuốc, phải giỏi môn Toán, môn Sinh…
Không ai dám nói trước chuyện tương lai. Thế nhưng, có một điều chắc chắn, đó là những đứa trẻ Làng Nủ sẽ được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, người đỡ đầu, thầy cô, và sự trợ giúp từ “ông nội” Nguyễn Xuân Khang.