Kết quả chưa từng có trong hoạt động thương mại song phương
Hai nước Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài 2.337 km, với 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ. Đặc biệt, hoạt động thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại hai nước, chiếm đến 90% tổng giá trị thương mại của hai bên.
Theo thông tin từ Báo Công thương, trong những năm gần đây, hoạt động thương mại giữa 2 quốc gia đã có những thay đổi lớn. Đặc biệt, giai đoạn 2010 – 2023 hợp tác thương mại Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển vượt bậc.
Việt Nam luôn nằm trong top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào với kim ngạch thương mại cán mốc 1 tỷ USD và duy trì bình quân ở mức 1,084 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2022 đạt 1,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2021. Năm 2023, thương mại hai nước đạt 1,7 tỷ USD. Hai nước phấn đấu kim ngạch thương mại cán mốc 2 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu này đã hoàn thành trước thời hạn. Tại buổi tiếp đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024 ghi nhận kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam – Lào.
Kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm 2023. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò then chốt của hai trụ cột này trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Lào.
Hợp tác mua bán than và điện giữa Việt Nam và Lào trong năm 2024 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp. Việc nhập khẩu điện và than từ Lào về Việt Nam không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam mà còn giúp khai thác tiềm năng cung ứng của Lào, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội hội của nước bạn.
Hai bên khẳng định sẽ thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, công nghiệp – năng lượng giữa Việt Nam và Lào.
Liên quan đến vấn đề quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai nước Việt Nam – Lào, trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Lào kiến nghị Chính phủ hai nước xem xét, sớm hiện thực hóa xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng-Chăn và nâng cấp Quốc lộ 8 và tuyến đường sắt Vũng Áng – Viêng-Chăn nhằm tháo gỡ nút thắt, giảm thiểu chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại Lào.
Thương vụ cũng kiến nghị Chính phủ hai nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại các tỉnh thành của Lào. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào, đầu tư xây dựng chợ biên giới, trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa, kho thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu, khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào để cung cấp hàng hóa sang Lào.
Lào ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Ông Vansy Kuamua, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, Lào tiếp tục là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến tháng 12/2024, đầu tư từ Việt Nam vào Lào hiện có tổng cộng 417 dự án, với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4.9 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4.6 tỷ USD. Trong đó, phần lớn các dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp (680 triệu USD), năng lượng điện (980 triệu USD), khai thác khoáng sản (1 tỷ USD), dịch vụ khác (2 tỷ USD).
Ông Phaophongsavath Phouvong, Cục Xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, Luật Xúc tiến đầu tư nước này đã có quy định 9 lĩnh vực khuyến khích đầu tư là: Nông nghiệp sạch, trồng cây công nghiệp, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến nông sản và chế biến khác thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm để thay thế việc nhập khẩu và trở thành sản phẩm xuất khẩu; y tế; giáo dục, thể thao; sử dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, phát triển khoa học, sử dụng sáng tạo để bảo vệ môi trường; phát triển du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử; đầu tư vào cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực kinh tế đặc biệt hoặc các khu vực phát triển kinh tế đặc thù; dịch vụ logistics.
9 lĩnh vực khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhượng quyền sử dụng đất nhà nước; miễn thuế nhập khẩu đối với các vật liệu, thiết bị không thể sản xuất trong nước cũng như máy móc sử dụng vào việc sản xuất trực tiếp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực kinh tế đặc biệt cũng sẽ nhận được các chính sách khuyến khích đầu tư bổ sung…