Gần đây, chúng ta đang nhắc nhiều đến câu chuyện đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình. Là một doanh nhân, ông cảm nhận thế nào về cơ hội mới của nền kinh tế Việt Nam?
Tôi nhìn thấy những cơ hội lớn. Trước hết là từ bên ngoài. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chiến lược quan trọng, đến từ cả góc độ quốc tế và nội tại. Về mặt quốc tế, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài nhiều năm qua đã làm dấy lên làn sóng “Trung Quốc+1”, thậm chí là “China Exit” – xu hướng các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm địa điểm sản xuất bổ sung hoặc thay thế Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm rút dần cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, dù quá trình này cần thời gian và nguồn lực lớn.
Giống với việc mình chuyển một ngôi nhà, dù có tiền, nhưng để chuyển được một ngôi nhà thì còn mất thời gian kiếm nhà mới, thiết kế rồi xây dựng. Việc di dời nhà máy không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng tín hiệu thay đổi là không thể phủ nhận.
Và Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, đồng thời tận dụng sự dịch chuyển để phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Ông Umeda Kunio – cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020, trong cuốn sách có tên Nhật Bản và Việt Nam là đồng minh tự nhiên, có viết một ý rất đáng suy ngẫm. Ông ấy cho rằng, nếu chuyển sản xuất sang các nước khác thì “Việt Nam là quốc gia có sự tin cậy cao nhất”.
Yếu tố thứ hai đến từ bên trong. Các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã nhận thức rất rõ ràng: để vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình và tiến đến một nền kinh tế phát triển, năng suất lao động phải được cải thiện đáng kể. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, dựa trên trí tuệ, sáng tạo và công nghệ hiện đại.
Trong đó, chuyển đổi số trở thành lời giải cho bài toán này, với những trụ cột quan trọng như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và xuất khẩu phần mềm… Những lĩnh vực này không chỉ mang lại năng suất lao động vượt trội mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, lãnh đạo Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ và khác biệt để thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, hình ảnh Thủ tướng Việt Nam không ngần ngại cùng Chủ tịch NVIDIA trò chuyện thân tình bên bàn bia vỉa hè, là một minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác vì lợi ích quốc gia. Đây là cách tiếp cận thực tiễn và hiệu quả, vượt qua những khuôn khổ cứng nhắc, nhằm tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Khi kết hợp lợi thế quốc tế, tố chất của dân tộc và tầm nhìn chiến lược từ các nhà lãnh đạo, chúng ta có thể khẳng định rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội của một kỷ nguyên vươn mình thực sự, chứ không phải nói để khích lệ, động viên hay nói cho sướng mồm đâu.
Ông nói đến làn sóng “Trung Quốc +1”, nhưng cơ hội của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia tiềm năng khác như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… thì sao?
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra hoài nghi, cho rằng Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ hay Malaysia.
Thực tế, về vị trí địa lý, Ấn Độ tương đối xa Trung Quốc nếu so với Việt Nam. Đấy là lợi thế của chúng ta. Thêm nữa, dù dân số không lớn bằng Ấn Độ, chất lượng lao động Việt Nam được đánh giá vượt trội hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực yêu cầu kỹ năng cao. Còn Trung Quốc vẫn sẽ giữ vai trò “công xưởng của thế giới” nhờ khả năng sản xuất với giá thành rẻ và quy mô lớn.
Tương tự với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á: chất lượng lao động của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn so với Indonesia, quy mô dân số Việt Nam lớn hơn Malaysia… Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn nhờ lực lượng lao động.
Vậy cơ hội cụ thể của Việt Nam với ngành bán dẫn, và trí tuệ nhân tạo thì sao?
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra tiềm năng lớn cho Việt Nam. Chip đang trở thành thành phần cốt lõi trong hầu hết các thiết bị, từ tivi, tủ lạnh, máy giặt đến máy rửa bát hay khóa cửa thông minh… Nhu cầu chip toàn cầu đang tăng mạnh, đặc biệt là chip AI.
Xét từ góc độ tố chất con người, người Việt Nam có nhiều lợi thế phù hợp để đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp tương lai, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI).
AI không phải là một trào lưu nhất thời, mà là yếu tố cốt lõi của xã hội tương lai. Người không biết AI sẽ mất lợi thế so với người thành thạo AI, và người sử dụng AI hiệu quả sẽ vượt trội về năng suất lao động. Đây là xu thế không thể đảo ngược.
Cần nhìn nhận AI rộng hơn các công cụ như ChatGPT. AI bao gồm nhiều ứng dụng quan trọng, từ xe tự lái, phần mềm nhúng trong hệ thống y tế, an ninh quốc phòng, đến hàng loạt công nghệ tiên tiến khác. Những người tạo ra các công cụ nền tảng AI sâu nhất thường là những cá nhân xuất sắc trong toán học, do AI dựa vào các thuật toán phức tạp.
Người Việt Nam có giỏi toán không? Câu trả lời là có. Trong nhiều thập kỷ qua, tại các kỳ thi toán quốc tế, Việt Nam chỉ đứng sau các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, và Nga. Việt Nam còn tự hào với thành tích lịch sử khi GS. Ngô Bảo Châu giành giải Fields – điều mà các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á khác chưa làm được.
Ngoài năng lực toán học, người Việt Nam cũng đã chứng minh năng lực xuất sắc trong lĩnh vực phần mềm. Ông Narayana Murthy (tỷ phú, nhà sáng lập Infosys Technologies), cha đẻ ngành xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ, từng nhận định, ở châu Á, ngoài Ấn Độ, Việt Nam là quốc gia duy nhất có khả năng tạo ra doanh nghiệp phần mềm đạt doanh thu tính bằng tỷ đô.
Ví dụ điển hình là FPT – tập đoàn đã đạt doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm năm 2023 và hơn 1,25 tỷ USD năm 2024. Đây là những con số mà nhiều quốc gia trong khu vực không đạt được.
Theo ông Murthy, tố chất cần cù và chịu khó của người Việt Nam là nền tảng để vươn xa. Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là AI.
Sự kết hợp giữa năng lực toán học, phần mềm, và tinh thần học hỏi của người Việt là lợi thế vượt trội để phát triển AI. Dựa trên những nền tảng hiện có cùng tầm nhìn chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trong kỷ nguyên công nghệ tương lai.
Còn trong lĩnh vực sản xuất chip thì sao, thưa ông?
Theo thống kê, 80% chip trên thế giới được sản xuất tại Đông Á, với các trung tâm lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, và Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư lớn như Intel, AMD đặt nhà máy và đang được xem là ứng viên tiềm năng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Có quan điểm cho rằng các dân tộc thuộc “văn hóa ăn đũa” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đang chiếm lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là thiết kế và sản xuất chip. Lý do nằm ở sự khéo tay và độ tinh xảo đặc trưng của những người dân ăn đũa châu Á – một yếu tố được cho là cần thiết để đảm bảo chất lượng trong quy trình sản xuất chip đòi hỏi độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, chip không chỉ là một sản phẩm công nghệ cao mà còn mang tính chiến lược, liên quan đến hầu hết các ngành nghề như ô tô, hàng không, quân sự, và điện tử tiêu dùng. Điều này đòi hỏi chuỗi cung ứng chip không được phép gián đoạn.
Một lý do khác giúp các quốc gia Đông Bắc Á thống trị ngành công nghiệp chip là sự ổn định chính trị và xã hội. Đây là yếu tố quan trọng, bởi chỉ cần một nhà máy chip dừng hoạt động là cả thế giới sẽ bị gián đoạn.
Nhìn vào bức tranh này, chúng ta có thể thấy được rằng, trước kia là các trung tâm sản xuất bán dẫn nằm ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và bây giờ có thể là Việt Nam.
Liệu những yếu tố trên có phải cũng là lý do để CEO NVIDIA quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Đài Loan?
Việc nhà sáng lập NVIDIA Jensen Huang quyết định xây dựng trung tâm R&D thứ ba của công ty tại đây, sau Mỹ và Đài Loan đã chứng tỏ rằng ông đã đặt niềm tin lớn vào Việt Nam.
Điều này không phải để mở rộng kinh doanh GPU, bởi nhu cầu từ Việt Nam không thể so sánh với các công ty lớn như mạng xã hội X (Twitter trước đây) của Elon Musk hay Google…, vốn tiêu thụ hàng trăm nghìn GPU mỗi năm. Chỉ riêng một công ty như X đã có nhu cầu 1 năm bằng cả Việt Nam trong 10 năm. Thay vào đó, lý do chính nằm ở tiềm năng con người và sự đóng góp của Việt Nam vào hệ sinh thái AI toàn cầu.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp nguồn lực lập trình viên đông đảo, tham gia xây dựng và mở rộng các công cụ, thư viện, và nền tảng trong hệ sinh thái của NVIDIA. Điều này giống như “đắp núi” cho nền tảng sẵn có của NVIDIA, giúp thế hệ lập trình viên sau tiếp tục phát triển từ “đỉnh núi” đó, thay vì bắt đầu từ con số không.
Ông có niềm tin mạnh mẽ vào cơ hội vươn mình của kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại với công nghệ như bán dẫn, chip, AI…, nhưng như vậy có lạc quan quá không khi trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì chúng ta cũng có nhiều cơ hội và đều bỏ lỡ?
Tôi không đồng ý với việc nói là: “Chúng ta đã có rất nhiều cơ hội nhưng lại bỏ lỡ!”. Thực ra, những cái ngày xưa chúng ta gọi là cơ hội, không phải cơ hội. Giống kiểu ngày xưa nói rằng chúng ta đã từng làm bán dẫn vậy. Thực tế là chúng ta mới có một cái nhà máy, chưa bán được cho ai, chưa xuất khẩu được sản phẩm nào, nên bảo đấy là cơ hội thì không đúng.
Trước đây, chúng ta chưa có cơ hội nào thực sự cả, chỉ tưởng là như vậy thôi. Cũng có người nói là đó là giá như ngày trước cải tổ, cải cách nhiều hơn thì đầu tư nước ngoài sẽ vào ào ạt, cơ hội thực sự sẽ đến. Nhưng cơ hội đến phải dựa trên nền tảng doanh nghiệp nào đó chứ. Ngày đó, công ty đi tiên phong làm xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam như FPT chỉ có một nhúm người và còn chẳng ai tin có thể làm được thì nói cơ hội là rất khó.
Còn bây giờ là cơ hội thực sự đang có và đang làm. Ví dụ như FPT đang xuất khẩu phần mềm cả tỷ đô la mỗi năm là chuyện thật (năm 2024 là 1,25 tỷ USD). Bên cạnh đó là khoảng 1.500 công ty Việt Nam khác cũng đang làm xuất khẩu phần mềm, tổng doanh thu đến từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… lên tới hàng tỷ đôla cũng là thật.
Tổng số lượng nhân sự làm xuất khẩu phần mềm của Việt Nam lên tới 500.000 người. Đây chính là nguồn lực quý hiếm mà Jesen Huang đánh giá rất cao và không có quốc gia Đông Nam Á nào có được.
Chỉ nhìn quanh khu vực Duy Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) – nơi FPT đóng trụ sở thôi thì đã có rất nhiều công ty phần mềm, công nghệ khác với vài chục nghìn nhân sự rồi. Họ chính là những ví dụ thật, hiện thân của cơ hội cho công nghệ của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
(Còn tiếp)
Trong bài viết tiếp theo, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT đưa ra góc nhìn riêng của mình về chìa khóa giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, ông cũng lý giải lý do FPT chưa có tỷ phú đôla dù là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Quỳnh Anh – Hoàng Ly
Hương Xuân