Tôi còn nhớ lần đầu tiên xem phim Sex Education, bộ phim khiến tôi vừa buồn cười, vừa suy ngẫm. Có một chi tiết trong phim khiến tôi đặc biệt chú ý: Nhiều bạn học sinh ở trường Moordale đã xem phim cấp 3 để “học hỏi” về tình dục. Nhưng những gì các em thấy trên phim hoàn toàn khác xa thực tế, thậm chí dẫn đến hiểu lầm và nhiều rắc rối.
Tôi chợt giật mình nhớ lại câu chuyện xảy ra với chính con gái mình cách đây không lâu.
Khi tôi phát hiện con gái lén xem phim người lớn
Hôm ấy, tôi vô tình nhìn thấy lịch sử trình duyệt trên máy tính của con gái. Ban đầu, tôi không tin vào mắt mình: Con tôi mới học lớp 8 sao đã lén xem những thứ này? Lúc đó, trong đầu tôi liên tục có những suy nghĩ: “Chết rồi! Con mình hỏng rồi! Hư hỏng thật rồi!”.
Bao nhiêu cảm xúc dồn lên, tức giận, hoang mang, thậm chí là thất vọng, sợ hãi. Tôi gọi con ra ngay lập tức. Không giữ được bình tĩnh, tôi đã mắng con rất nặng lời: “Ai cho con xem mấy thứ này? Sao mới nứt mắt mà dám xem những thứ bậy bạ như vậy? Ai dạy con hư như thế? Định không học lên cấp 3 mà đi lấy chồng luôn à? Mẹ không dám tin đấy!”.
Trước sự bùng nổ của mẹ, con gái tôi chỉ im lặng, cúi gằm mặt, không nói gì. Tôi quyết định cấm con dùng điện thoại và máy tính trong một tuần, nghĩ rằng mình đã “giải quyết xong vấn đề”.
Nhưng không hiểu sao, sau đó tôi lại cảm thấy day dứt. Tôi bắt đầu tự hỏi: Mình dạy như thế liệu có đúng?
Khi tôi suy nghĩ lại
Khi xem phim Sex Education, tôi mới nhận ra, việc những đứa trẻ ở độ tuổi con tò mò về giới tính, tình dục, cơ thể là hoàn toàn bình thường. Ngay cả tôi, khi bằng tuổi con, cũng từng tò mò và không biết hỏi ai. Ở thời của tôi, nếu mạng internet tiện lợi như bây giờ, có khi nào tôi và bạn bè cũng tò mò mà xem thử những nội dung “nóng”.
Tôi bỗng chốc thấy xấu hổ. Tôi là một bà mẹ nhưng lại bỏ bê chuyện giáo dục giới tính cho con. Khi bắt gặp con tự tìm hiểu sai cách, thay vì nhận ra thiếu sót của mình, tôi lại làm con cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, thay vì hiểu rằng sự tò mò này không phải là sai. Đáng lẽ, đó phải là cơ hội để tôi ngồi xuống và dạy con những kiến thức đúng đắn.
Khi tôi ngồi lại nói chuyện với con
Một buổi tối, tôi vào phòng con và bắt đầu câu chuyện bằng một lời xin lỗi: “Mẹ biết hôm trước mẹ đã mắng con nặng lời. Mẹ rất xin lỗi. Mẹ muốn chúng ta có thể nói chuyện với nhau về chuyện đó được không?”.
Ban đầu, con tỏ ra lúng túng, ngập ngừng. Nhưng khi tôi nói rằng: “Mẹ hiểu ở tuổi của con, có những điều con tò mò mà không biết hỏi ai. Mẹ cũng từng như thế, và mẹ muốn con biết rằng điều đó là hoàn toàn bình thường”.
Nghe đến đây, con mới bắt đầu cởi mở hơn. Con thú nhận rằng gần đây các bạn trong lớp hay đùa giỡn về “chuyện người lớn” và con không hiểu nên đã tìm kiếm trên mạng. Con không dám hỏi tôi, vì sợ bị mắng.
Sau đó tôi đã giải thích với con, những gì con xem trên mạng đều là giả. Những bộ phim nóng chỉ được dựng lên để giải trí, không hề phản ánh thực tế. Trong đời sống thật, tình yêu và tình dục không chỉ đơn giản là hành động, mà còn là sự tôn trọng, yêu thương và trách nhiệm.
Tôi cũng kể với con về chi tiết trong phim Sex Education – khi các bạn trẻ nhầm lẫn giữa phim ảnh và thực tế, và điều đó đã gây ra rất nhiều rắc rối. Tôi nói với con: “Nếu con có bất kỳ câu hỏi nào, hãy đến hỏi mẹ. Mẹ hứa sẽ không mắng hay phán xét con. Mẹ muốn con hiểu đúng, để con biết bảo vệ bản thân khỏi những thông tin sai lệch”.
Buổi trò chuyện hôm ấy diễn ra lâu hơn tôi nghĩ. Con gái tôi không chỉ hỏi về tình dục, mà còn hỏi cả những điều nó thắc mắc về cơ thể mình, về tình yêu, và những thay đổi tuổi dậy thì.
Tôi nhận ra, con đã giữ những câu hỏi này trong lòng rất lâu, chỉ vì sợ hỏi sẽ bị mắng.
Những bài học tôi rút ra
Từ câu chuyện này, tôi rút ra được rất nhiều điều:
Đừng ngại nói chuyện về giới tính với con: Sự tò mò của trẻ không chờ đợi ai. Nếu bố mẹ không nói, con sẽ tự đi tìm câu trả lời từ bạn bè hoặc internet, và những thông tin đó có thể sai lệch hoặc gây hại.
Lắng nghe con thay vì phán xét: Trẻ cần cảm giác an toàn để chia sẻ. Nếu ngay lần đầu con bị mắng, con sẽ không bao giờ dám nói với bố mẹ nữa.
Trang bị kiến thức đúng đắn cho con: Thay vì cấm đoán, hãy cung cấp cho con những nguồn thông tin phù hợp, đáng tin cậy. Điều này giúp con không chỉ hiểu đúng mà còn tự tin bảo vệ bản thân trước những tác động xấu từ bên ngoài.
Xây dựng sự tin tưởng: Tôi hiểu rằng mình phải là người mà con có thể tin tưởng tìm đến mỗi khi con cần. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần sự đồng hành, chứ không phải sự áp đặt hay kiểm soát.
Viết cho những bậc phụ huynh khác
Tôi chia sẻ câu chuyện này với mong muốn các bậc cha mẹ đừng e ngại nói về những điều nhạy cảm với con. Nếu chúng ta không nói, con sẽ tự tìm hiểu, và khi đó, mọi chuyện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Hãy luôn lắng nghe con, dẫn dắt con bằng sự thấu hiểu và tình yêu thương, bởi điều quan trọng nhất là con cái chúng ta được bảo vệ và trưởng thành trong môi trường lành mạnh.