Vậy là Lễ trao giải VinFuture đã diễn ra thành công tốt đẹp với giải thưởng chính trị giá 3 triệu đô la (hơn 76 tỷ đồng) thuộc về 5 nhà khoa học: Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Geoffrey E. Hinton (Canada) với nghiên cứu tiên phong về mạng nơ-ron và các thuật toán Học sâu; Ông Jensen Huang (Mỹ) với kiến trúc thuật toán cho học sâu và điện toán tăng tốc; Giáo sư Yann Lecun (Mỹ) với nghiên cứu tiên phong về mạng nơ-ron tích chập cho thị giác máy tính; Giáo sư Fei-Fei Li (Mỹ) vì những đóng góp tiên phong cho thị giác máy tính và nhận dạng hình ảnh quy mô lớn.
Trong 5 cái tên kể trên, chỉ có một người duy nhất không gắn học vị ở đầu tên và trùng hợp thay, đó cũng chính là nhân vật đang khiến netizen Việt rần rần suốt mấy ngày gần đây. Người đó là ông Jensen Huang (Mỹ).
Cho những ai chưa biết, Jensen Huang là Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia – tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ USD.
Trước đó, mọi người cũng thấy ông Jensen Huang xuất hiện tại thảm đỏ của Lễ trao giải VinFuture 2024, nhưng đa phần nghĩ ông đến đây để tham dự, chứ không hề biết ông lại chính là một trong những chủ nahan của giải thưởng 3 triệu đô.
Có mặt tại Việt Nam từ vài ngày trước, tên tuổi và hình ảnh của CEO NVIDIA nhanh chóng “phủ sóng” khắp MXH, không chỉ bởi mục đích ông đến Việt Nam mà còn bởi hình tượng đầy thân thiện, dễ gần của ông.
Vào ngày 5/12 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với ông Jensen Huang, chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Ông Jensen Huang cũng đã chính thức thông báo về việc mua lại VinBrain từ Vingroup – một công ty khởi nghiệp về AI, theo ông Huang, là “xuất sắc và phi thường tại Việt Nam”.
Dù ở đâu, vị CEO này cũng xuất hiện với vẻ ngoài thân thiện. Ông còn nhiệt tình đi “tour ẩm thực” tại Hà Nội, đi ăn phở uống cafe như một vị khách du lịch thực thụ.
Ngoài ra, nếu để ý kỹ, CEO của Nvidia còn có “gu” mặc đồ cũ. Trong hai lần sang Việt Nam và nhiều sự kiện khác, ông cùng mặc một chiếc áo khoác màu đen. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình trực tuyến The Moment, tỷ phú công nghệ cho biết đã chọn áo khoác da đen làm phong cách đặc trưng và luôn diện lại các món đồ cũ trong khoảng 20 năm. Việc mặc màu đen với những món cơ bản giống nhau giúp ông tiết kiệm thời gian, tập trung ra quyết định trong công việc.
Tuy nhiên, để đạt được thành công như hiện tại, ông từng trải qua quãng thời gian khởi nghiệp nhiều khó khăn.
Từ tuổi thơ khó khăn đến CEO hãng chip nghìn tỷ USD
Ông Jensen Huang sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1963. Năm 1973, cha mẹ ông gửi trước các con tới nhà người thân ở Mỹ, sau đó họ cùng nhau di cư sang Mỹ sinh sống.
Ông tốt nghiệp Đại học bang Oregon năm 1984. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông lần lượt làm việc tại các công ty chip LSI Logic và AMD. Đến năm 1992, ông lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tại Đại học Stanford.
Trước khi quyết định bắt đầu khởi nghiệp cùng với 2 người bạn, Jensen Huang từng có khoảng thời gian làm việc bán thời gian tại một nhà hàng. Công việc này có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông. Vốn là người hướng nội, ngại giao tiếp, công việc bồi bàn buộc ông phải học cách giao tiếp với khách hàng. Thậm chí, ông từng khẳng định rằng nếu không có kinh nghiệm làm bồi bàn, ông sẽ không trở thành người lãnh đạo như ngày nay.
“Tôi là một học sinh giỏi, tôi luôn tập trung học và năng động. Nhưng tôi cũng rất hướng nội và rất nhút nhát. Trải nghiệm duy nhất khiến tôi thoát khỏi chính mình là làm bồi bàn tại nhà hàng này. Mới chỉ nghĩ đến việc trò chuyện với mọi người, tôi đã cảm thấy sợ hãi”, Jensen Huang hồi tưởng.
Sau đó, Jensen Huang cùng 2 người bạn là Chris Malachowsky và Curtis Priem đã cùng nhau khởi nghiệp. Cả Malachowsky và Priem đều là kỹ sư tại Công ty Sun Microsystems, trong khi Jensen Huang làm việc tại Công ty LSI Logic. Khi có kế hoạch nghỉ việc tại các nơi, họ cân nhắc thành lập một công ty đồ họa. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, họ bị gia đình phản đối, dẫu vậy cả ba vẫn cố gắng thuyết phục mọi người tin vào tầm nhìn của mình.
Sản phẩm thành công đầu tiên của Nvidia là một con chip chuyên dụng, được gọi là đơn nguyên xử lý đồ họa, cung cấp đồ họa chuyển động cường độ cao cho các trò chơi trên máy tính.
Đến năm 2007, nhóm của ông nhận ra rằng chip của Nvidia cũng có thể được sử dụng cho nhiều vấn đề máy tính. Đồng thời, họ đã phát hành một nền tảng phần mềm có tên CUDA cho phép các nhà phát triển phần mềm khác nhau lập trình cho chip của Nvidia. Điều này đã gây ra một cơn sốt mới.
Sau đó, Jensen Huang nhận ra rằng các phòng thí nghiệm của trường đại học đang sử dụng chip Nvidia trong lĩnh vực AI. Chính từ khoảnh khắc này, ông nhận ra lĩnh vực này rất thích hợp trong khoa học máy tính và hứa hẹn tiềm năng phát triển cho mọi khía cạnh của đời sống. Chính vì vậy, họ đã phát hành một loạt chip AI.
Vai trò quan trọng của Nvidia trong sự bùng nổ AI đã khiến giá trị của công ty tăng gấp 3 lần trong năm 2023, và hiện tại là tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ USD.
Tổng hợp