Theo đó, một phụ huynh Trung Quốc than phiền trên mạng xã hội rằng con mình bị cô giáo chấm sai một phép tính vô cùng đơn giản, và rõ ràng phụ huynh này kiểm tra lại nhưng cũng không hề thấy có điểm gì sai sót. Đáng nói, gần như tất cả học sinh trong lớp đều trả lời cũng một đáp án và bị cô giáo chấm sai. Chỉ có một học sinh được điểm tuyệt đối vì đã đưa ra được đáp án đúng ý cô giáo.
Nhìn đề bài mà phụ huynh này đăng lên, nhiều người cũng đồng tình rằng chỉ nhìn qua cũng biết học sinh đã đưa ra đáp án chính xác. Theo đó, đề bài cô giáo đưa ra là: “Có 11 bóng đèn trong lớp học, tắt đi 4 bóng thì trong lớp còn lại bao nhiêu bóng đèn?”. Đương nhiên, sẽ không ngạc có gì ngạc nhiên khi phần lớn mọi người sẽ dễ dàng đưa ra đáp án là 7, vì 11 – 4 = 7.
Cảm thấy bức xúc vì cho rằng cô giáo chấm điểm không đúng, các phụ huynh đều đồng loạt nêu ra ý kiến của mình trong nhóm chat chung của lớp học. Đến lúc này, câu trả lời của cô giáo lại khiến họ vô cùng bất ngờ và gật gù chấp nhận, vì hóa ra ra đây là một câu hỏi “bẫy” để kiểm tra tư duy logic của học sinh.
Cô giáo giải thích, đáp án chính xác không thể là 7 mà phải là 11. Vì khi 4 bóng đèn bị tắt, chúng vẫn là bóng đèn chứ không hề bị mất đi. Câu hỏi trong bài là “còn bao nhiêu bóng đèn” chứ không phải “còn bao nhiêu bóng đèn đang sáng”. Vì vậy, nếu không đọc kỹ mà chỉ lấy tổng số 11 bóng đèn trừ đi 4 bóng đèn đã tắt thì không thể đưa ra được đáp án phù hợp với tư duy logic.
Kết quả này khiến nhiều phụ huynh đồng tình, vì nó giúp con trẻ có thể khai phá thêm nhiều hướng suy nghĩ mới trong khi làm một phép tính đơn giản. Tuy nhiên, cũng có vài ý kiến phản đối cho rằng việc ra đề như vậy không phù hợp trong bài thi số học bình thường, vì học sinh chỉ áp dụng đúng những gì đã được dạy. Nếu câu hỏi này được sử dụng trong các buổi đố vui giải lao, để thử thách trí não của học sinh nhưng không liên quan đến điểm số thì sẽ phù hợp hơn.
Đây chỉ là một trong số các phép tính “hack não” phổ biến trên mạng thường tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi của mọi người. Tương tự, ở Việt Nam cũng từng có một bài toán khiến nhiều người tranh cãi khi cô giáo ra đề bài: “Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ hết bao lâu?”.
Học sinh đã đưa ra cách giải: “Cưa cả cây gỗ đó hết số phút là: 12 x 6 = 72 (phút)”, vì cho rằng đoạn gỗ 7m, cưa thành 7 đoạn 1m bằng nhau thì chỉ cần cưa 6 lần. Tuy nhiên cách làm này bị cô giáo gạch sai và thay bằng đáp án: “Cưa được số đoạn là: 7×1=7 đoạn. Cưa cả cây gỗ hết thời gian là 12×7=84 phút”.
Nhiều ý kiến cho rằng cô giáo đã giải sai, Cây gỗ dài 7 đoạn thì chỉ cần 6 lần cưa là đủ và thời gian cưa là 72 phút. Nhưng cũng nhiều người nói rằng vì đây là câu hỏi “bẫy”, nên theo logic đúng, phải tính cả lần cưa gỗ từ thân cây, tức là 7 lần.