Hàn Quốc có kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất chip trong nước vào năm tới, theo Bloomberg. Kế hoạch này nhằm củng cố ngành công nghiệp có thể phải đối mặt với các chính sách bất lợi từ chính quyền mới của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và những thách thức ngày càng gay gắt từ đối thủ Trung Quốc.
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết hỗ trợ tài chính bao gồm các khoản vay, bảo hiểm và bảo lãnh từ các tổ chức trực thuộc nhà nước dự kiến sẽ lên tới 14.300 tỷ won (
10,3 tỷ USD
) vào năm tới bằng loạt chính sách kích thích liên tục.
Riêng chính phủ sẽ tìm cách tăng tỷ lệ giảm thuế cho các công ty liên quan đến chất bán dẫn thêm 10% và xây dựng một “trung tâm điện toán trí tuệ nhân tạo” quốc gia trị giá 4.000 tỷ won vào năm 2030.
Hàn Quốc đang tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế quan trọng của nước này vào thời điểm ông Trump tuyên bố sẽ thúc đẩy ngành sản xuất của Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.
Trong tuyên bố của mình, Bộ này cho biết có khả năng xảy ra tình trạng bất ổn kinh tế sau khi chính quyền mới của Hoa Kỳ nhậm chức, mặc dù quan hệ Mỹ-Hàn trong lĩnh vực quốc phòng và đóng tàu vẫn có thể được hưởng lợi.
Samsung Electronics đang xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Texas với các khoản trợ cấp được hứa hẹn theo Đạo luật CHIPS của chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong khi đó, đội ngũ của ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chương trình tài trợ đó trong chiến dịch tranh cử.
Bộ Tài chính cho biết Trung Quốc cũng có thể tăng cường theo đuổi chuỗi cung ứng của Hàn Quốc, làm Seoul phải hỗ trợ, củng cố khả năng cạnh tranh của các ngành công nghệ nước này, đồng thời làn sóng chính sách bảo hộ gia tăng cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Hàn Quốc.
Xuất khẩu công nghệ chiếm khoảng một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc ra nước ngoài.
Nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng ít nhất 2% trong năm nay so với năm ngoái, đặc biệt là nhờ nhu cầu mạnh mẽ về chất bán dẫn, bao gồm cả chip nhớ được sử dụng trong phát triển trí tuệ nhân tạo.
Các dự báo của các nhà kinh tế cho năm tới đang trở nên kém lạc quan hơn vì đà tăng xuất khẩu đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Các quan chức cũng lo ngại Trump có thể cứng rắn hơn với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ sau khi ông nhậm chức vào tháng 1.
Hàn Quốc coi trọng xuất khẩu chất bán dẫn
Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố kế hoạch hỗ trợ kỷ lục
1
9 tỷ USD
cho ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của Hàn Quốc, theo AFP.
Hàn Quốc là quê hương của các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới là Samsung Electronics và SK hynix. Các doanh nghiệp này đã cam kết xây dựng trung tâm chip lớn nhất thế giới bằng cách sử dụng 456 tỷ USD đầu tư tư nhân khi muốn tăng cường lợi thế toàn cầu.
“Chúng tôi đã tạo ra một chương trình hỗ trợ toàn diện cho ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 26.000 tỷ won (19,1 tỷ USD), bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, cũng như hỗ trợ cho các công ty vừa và nhỏ”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Gói này bao gồm khoản đầu tư 7 tỷ USD được công bố vào đầu tháng này.
Ông Yoon cũng cho biết Seoul sẽ mở rộng các ưu đãi về thuế cho các khoản đầu tư vào chip, với hy vọng thúc đẩy việc làm và thu hút thêm nhiều nhân tài vào ngành.
Nước này cũng đang xây dựng một “khu vực siêu chip” ngay bên ngoài Seoul, nơi mà chính phủ tuyên bố sẽ là khu phức hợp sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới và tạo ra hàng triệu việc làm.
Chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc và đạt 11,7 tỷ USD vào tháng 3/2024, mức cao nhất trong gần hai năm, chiếm một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, theo số liệu của Bộ Thương mại.
Vào tháng 5 năm 2022, Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ trị giá 450.000 tỷ won (330 tỷ USD) trong 5 năm nhằm đưa đất nước này trở thành người đi đầu trong các lĩnh vực quan trọng từ chất bán dẫn đến sinh học.
Việc đảm bảo nguồn cung cấp chip tiên tiến đã trở thành vấn đề quan trọng trên phạm vi quốc tế, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến khốc liệt để giành quyền kiểm soát thị trường.
“Hàn Quốc đang cung cấp 80% chất bán dẫn bộ nhớ của thế giới và cho biết họ đang đầu tư 300.000 tỷ won (220 tỷ USD) vào cụm Yongin, nhưng lại gặp vấn đề về nguồn cung cấp nước”, Kim Dae-jong, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong ở Seoul, nói với hãng thông tấn AFP.
Hồi tháng 9 năm nay, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Đến giai đoạn 2040 – 2050, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.