Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa quyết định tăng giá bán lẻ RON 95 ở mức 199 đồng/lít, lên 20.746 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng 240 đồng/lít, lên mức 20.057 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 125 đồng/lít, lên mức 18.755 đồng/lít. Giá dầu hỏa bán lẻ tăng 126 đồng/lít, lên mức 18.834 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 129 đồng/kg, lên mức 16.099 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã qua 25 lần tăng, 27 lần giảm. Dầu diesel có 23 lần tăng và 28 lần giảm.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và không chi sử dụng Quỹ với các mặt hàng xăng dầu.
Liên quan việc điều chỉnh giá xăng dầu, trong nghị định về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương đang dự thảo có đề xuất phương án trao quyền cho các doanh nghiệp tự quyết định giá bán. Nhà nước chỉ công bố giá sản xuất xăng dầu thế giới, chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Tuy nhiên, mới đây, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu tiếp tục gửi kiến nghị cho rằng, quy định tại dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu này vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đó. Cụ thể dự thảo nghị định vẫn quy định chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… do Nhà nước định giá (đưa ra con số cụ thể). Điều này chỉ khác với quy định cũ là doanh nghiệp thay Nhà nước thực hiện phép tính cộng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ Công Thương cần xác định giá thị trường thế giới là giá nào, bởi thị trường xăng dầu Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô hoặc thành phẩm từ bên ngoài. Việc công bố giá thị trường thế giới như thế nào sẽ đóng vai trò rất quan trọng để doanh nghiệp định hướng kinh doanh.