Trong giao tiếp hàng ngày, khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, nhiều người buột miệng nói “cảm ơn”. Tất nhiên, đúng là bày tỏ lòng biết ơn là một phép lịch sự cơ bản, nhưng thực tế có nhiều cách tốt hơn để bày tỏ lòng biết ơn một cách ý nghĩa hơn và thắt chặt thêm mối quan hệ sau này.
1. Tặng một món quà xứng đáng với giá trị tương đương thay lời cảm ơn
Điều này không có nghĩa là bạn cần phải trả ơn bằng một mức giá rõ ràng, nhưng lại nói lên điều quan trọng hơn: bạn hiểu rằng sự giúp đỡ của người đó quan trọng và giá trị thế nào. Ví dụ, ai đó đã giúp bạn hoàn thành một nhiệm vụ hay một dự án rất khó khăn, khiến bạn “toả sáng” trong công việc và thành công thăng chức, nhận mức lương cao hơn. Lúc này, để trả ơn họ, bạn hoàn toàn có thể tính toán: nếu không có sự giúp đỡ của họ, bạn có thể phải tốn bao nhiêu thời gian, công sức, hay thậm chí là bỏ lỡ cơ hội này.
Những lợi ích tiềm năng mà sự giúp đỡ mang lại có thể bao gồm tăng lương, thăng tiến hoặc mở rộng không gian phát triển nghề nghiệp… Khi bạn nhận thức rõ ràng về giá trị tiềm ẩn này, bạn sẽ không chỉ nói “cảm ơn” mà có thể trải ơn một cách thích hợp, dựa trên “giá trị” mà bạn nhận được. Chẳng hạn, hãy tặng người đó một món quà xứng đáng hoặc khi người đó cần, đừng ngần ngại dốc hết sức lực để giúp đỡ.
2. Thể hiện lòng biết ơn một cách chân thành và thường xuyên
Đôi khi, một lời “cảm ơn” đơn giản có thể bị coi là chiếu lệ, nhưng nếu chúng ta bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành và thường xuyên, điều đó có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Hãy tưởng tượng rằng sau khi một người bạn giúp bạn chuyển nhà, bạn không chỉ bày tỏ lòng biết ơn của mình vào ngày hôm đó mà trong những ngày tiếp theo, mỗi khi bạn nhìn thấy hoặc nói chuyện với anh ấy, bạn đều đề cập đến việc anh ấy đã giúp đỡ bạn như thế nào trong việc chuyển nhà đó và thể hiện rằng bạn rất biết ơn họ.
Tần suất cao và lòng biết ơn chân thành sẽ khiến người kia thực sự cảm thấy rằng sự đóng góp của họ được ghi nhớ sâu sắc trong trái tim bạn chứ không phải thoáng qua. Điều đó sẽ cho người kia biết rằng sự giúp đỡ của họ có ý nghĩa to lớn, do đó làm mối quan hệ giữa hai bạn trở nên sâu sắc hơn.
3. Tìm cơ hội để đền đáp một cách chủ động
Khi người khác giúp đỡ mình thì cần phải tìm cơ hội để đền đáp họ. Điều này giống như giữ cho cả hai bên được cân bằng trên tương quan mối quan hệ giữa các cá nhân. Ví dụ, nếu hàng xóm của bạn chăm sóc thú cưng cho bạn khi bạn đi công tác, bạn có thể đề nghị giúp anh ta đưa con đến trường khi anh ta có việc bận.
Hoặc một đồng nghiệp đã trợ giúp bạn một việc quan trọng. Khi anh ấy phải đối mặt với áp lực công việc cao và nhiệm vụ nặng nề, bạn có thể chủ động chia sẻ một số công việc trong khả năng của mình. Thông qua cách giúp đỡ lẫn nhau này, chúng ta không chỉ có thể báo đáp lòng tốt của nhau mà còn khiến mối quan hệ trở nên gần gũi hơn và hình thành một vòng tương tác tốt đẹp.