Nhiều người cho rằng học sinh bây giờ mệt hơn dân đi làm, nhưng cũng có không ít người đã đi làm lại chỉ ước ao được quay về thời đi học vì khi đó thoải mái, không nhiều áp lực như hiện tại. Vậy rốt cuộc đi học và đi làm, việc gì mệt hơn?
Gần đây, bài đăng của một cư dân mạng tại Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý khi nhận được hơn 2 triệu lượt thích. Nội dung bài viết mô tả sự mệt mỏi khi đi học qua một so sánh đầy ấn tượng với công việc.
“Nếu bạn có một công việc, 6 giờ sáng đã phải đến chỗ làm, 5 giờ chiều mới được tan làm, nhưng phải tăng ca đến 9-10 giờ, không có ngoại lệ. Có khi cả tháng, bạn chỉ được nghỉ 1-2 ngày. Bạn phải duy trì cường độ công việc như vậy liên tục 3-6 năm mà không được nhận lương. 9 vị sếp của bạn ngày nào cũng thay phiên nhau giao việc cho bạn, còn không ngừng cằn nhằn bên tai bạn, rằng là sao hiệu suất công việc của bạn thấp thế, thành tích công việc sao chẳng bao giờ đạt tiêu chuẩn. Công ty mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày đều tiến hành một cuộc khảo sát chất lượng nhân viên. 3 năm 1 lần sẽ có một đợt sa thải lớn.
Chưa dừng lại ở đó, người thân của bạn cũng không thấu hiểu cho bạn, họ chỉ quan tâm thành tích tháng này của bạn ra sao, thứ tự tại công ty như thế nào, liệu có hy vọng vào được một công ty lớn hơn không. Dù bạn nghỉ ở nhà, bố mẹ bạn cũng sẽ giám sát xem bạn có nghiêm túc tăng ca hay không. Bởi vậy nên, những người ngày nào cũng than thở đi làm mệt, phần lớn là hồi đi học không quá vất vả”, người này viết.
Trong bài viết của mình, vị cư dân mạng đã dùng các khái niệm liên quan đến đi làm để miêu tả việc đi học, chẳng hạn như “chỗ làm” hay “công ty” chính là trường học, “tăng ca” là học thêm, “khảo sát chất lượng nhân viên” là kiểm tra, “sếp” là thầy cô… Bằng cách này, có thể thấy rõ việc đi học mệt mỏi và áp lực như thế nào.
Bài viết đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và phần bình luận chia làm 2 luồng ý kiến khá rõ ràng. Một số người đồng tình cho rằng việc học thực sự càng ngày càng trở nên vất vả, một số khác lại khẳng định đi học không thể nào mệt bằng đi làm được.
– Thế nên đến tận hôm nay tôi vẫn không hiểu tại sao có một số người cứ suốt ngày mơ mộng quay về thời học sinh.
– Đúng vậy! Và còn không thể nghỉ học nữa chứ!
– Đi làm một tháng bạn sẽ được phát lương, còn đi học một tháng bạn chỉ nhận về bài kiểm tra cuối tháng.
– Có ai nói đi học không mệt đâu, nhưng đối với một số người, đi làm thực sự rất mệt, việc gì phải so sánh như thế.
– Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng thời đi học là quãng thời gian bạn vui vẻ nhất.
– Đi học đương nhiên là mệt. Nhưng hồi đi học, ít nhất bạn biết rằng những ngày tháng như vậy sẽ không kéo dài mãi, sẽ có lúc nó kết thúc. Vì vậy, bạn sẽ có hy vọng, có động lực để cố gắng. Còn đi làm thì không như thế…
– Nhưng “công việc” đi học đó không lo bị đuổi việc, không lo lương có đủ sống hay không. Trong nhà có chuyện không cần bạn nghĩ cách giải quyết. Bạn chỉ cần tập trung học là được. Sáng tối có người nấu cho ăn, còn có nghỉ hè và n kỳ nghỉ khác.
Có thể thấy, cuộc tranh luận này phản ánh quan điểm khác nhau về áp lực học hành. Đối với nhiều người, đi học là một “công việc” đầy áp lực và mệt mỏi. Nhưng bên cạnh đó, học hành cũng mang lại cho trẻ một môi trường được định hướng rõ ràng: chúng ta học để xây dựng tương lai, không phải để lo toan về cơm áo gạo tiền hay những áp lực sinh tồn khác.
Thực tế, học tập là một giai đoạn quan trọng giúp trẻ phát triển cả về tư duy, kỹ năng và nhân cách. Cha mẹ và nhà trường nên đồng hành, tạo điều kiện để trẻ không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện khả năng tự quản lý thời gian, xử lý áp lực và tìm thấy niềm vui trong việc học.
Hãy nhớ rằng, đi học không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để các em xây dựng nền tảng cho một cuộc sống thành công và hạnh phúc.